-
Kinh chào thứ trưởng và các chuyên gia!
(Trần Văn Thành, 28 tuổi, Lục Ngạn - Bắc Giang)
Tôi là một người con của mảnh đất Lục Ngạn hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sắp đến vụ thu hoạch vải thiều năm 2015 - một nông sản chính của bà con nông dân quê tôi. Và qua những gì chứng kiến cũng như có một số vấn đề tôi muốn hỏi và mong các vị khách giải đáp như sau:
1- Vấn đề về thị trường tiêu thụ:
Như những năm trước chủ yếu vải thiều sau khi thu hoạch được bán cho Trung Quốc là chính. Nhiều hộ gia đình trong đó có gia đình tôi dù không muốn bán cho các thương lái Trung Quốc vì so với bán cho thương lái người Việt mua và xuất đi thị trường trong nước như miền Nam...thì thương lái Trung Quốc thường trừ đầu trừ đuôi (những quả thối, quả nhỏ...) nhiều hơn, ép giá khi đã mua đủ hàng...
Tuy nhiên do thương lái Trung Quốc trực tiếp sang tận địa phương tôi, thuê những mặt bằng rộng, thuận tiện nhất, mua với giá cao hơn...nên để bù lại chi phí, thuận tiện bán hàng nhanh chóng nên phần lớn nông dân bán cho Trung Quốc những mặt hàng đẹp, chất lượng trước. Còn những hàng kém hơn mới bán cho thương lái người Việt xuất đi trong nước....
Cho nên vô hình chung, người Việt Nam tại các địa phương khác lại không được sử dụng những quả vải thiều chất lượng nhất, ngon nhất. Từ đó một số người đánh giá "thương hiệu vải thiều Lục Ngạn thực ra cũng không ngon lắm" - Đây là một nhận định sai, và thực tế như tôi quan sát có rất nhiều người ở Hà Nội phải mua vải với giá rất cao mà không đạt chất lượng.
Như vậy có thể thấy là dù thị trường trong nước còn rất lớn nhưng tại sao chúng ta lại không khai thác được mà rất nhiều năm qua nông dân vẫn phải bán cho Trung Quốc và bị ép giá....?
2- Vấn đề về giao thông:
Có thể nói đây cũng là một vấn đề rất quan trọng nhưng tôi chưa thấy ai đề cập đến và trong danh sách các vị khách mời tôi cũng không thấy có vị nào thuộc bộ giao thông...?
Vì sao nó lại quan trọng??
Đơn giản vì vải thiều cũng như các nông sản khác là một mặt hàng tươi, cần bảo quản mẫu mã, chất lượng tốt nhất và chỉ giữ được trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên quốc lộ 31 - Trục đường chính dẫn về huyện Lục Ngạn hiện nay rất nhỏ, trong khi lưu lượng xe lại rất lớn. Và chuyện tắc đường trong mùa thu hoạch vải là chuyện xảy ra hàng ngày, và năm nào cũng xảy ra...Vì là con được độc đạo nên một khi tắc là các xe Container, các phương tiện khác phải nằm chờ hàng giờ, có khi cả ngày để chờ thông đường. Như vậy để vận chuyển được hàng đến cửa khẩu Tân Thanh, hay đến miền Nam thì thời gian vận chuyển đã tăng lên rất nhiều, kéo theo đó là chi phí phát sinh: làm lạnh, bảo quản sản phẩm trên xe...
Từ đó làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa do chi phí phát sinh nhiều, mẫu mã, chất lượng giảm sút!
Vì vậy kính mong các vị khách mời, các đại biểu lưu tâm và cố gắng hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang tôi mở rộng được quốc lộ 31 này!
Xin cảm ơn các vị khách mời!Ông Trần Tuấn Anh:
Liên quan đến vấn đề này, cơ quan quản lý nhận định nhu cầu tiêu dùng nội địa còn rất lớn, song có thực tế bị hổng và chưa phát triển tốt trong đó mặt hàng trái cây. Năm ngoái, Bộ đã có những biện pháp quyết liệt hỗ trợ nông dân Bắc Giang, chúng ta chứng kiến sự huy động lực lượng xã hội rất lớn nên sản lượng vải của địa phương đã được tiêu thụ hết với quy mô 40% xuất khẩu, 60% tiêu thụ trong nước.
Năm nay, trong nhiều chương trình, đã có nhiều hội nghị kết nối giữa các địa phương bao gồm vai trò của các công ty thương mại kể hệ thống siêu thị để vải tiếp cận đến với người tiêu thụ trong nước, tôi tin rằng vải thiều Bắc Giang sẽ được tiêu thụ rộng tại nội địa.
Về đề nghị của độc giả liên quan hạ tầng giao thông, trước đó chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông các địa phương có biện pháp hỗ trợ lưu thông trái vải kể cả trong nước và xuất khẩu. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể với vấn đề này.
Riêng việc nâng cấp quốc lộ 31 tôi xin nhường lại Bộ Giao thông Vận tải có và cơ quan quản lý liên quan khác có ý kiến sẽ sát sườn hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng:
Tôi xin bổ sung về vấn đề giao thông. Tôi đã theo dõi trái vải Luc Ngạn hàng chục năm nay. Nếu quan sát con đường 31 từ cách đây 20 năm thì độc giả có thể thấy lúc đó con đường lổn nhổn như thế nào. Do đó con đường như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn của Nhà nước. Theo tôi, trong thời gian tới việc đầu tư như thế nào còn phải căn cứ vào tình hình xã hội của cả nước nói chung.
Ông Trần Tuấn Anh.
-
Tại nhiều diễn đàn trước đây, lãnh đạo cơ quan quản lý cho biết một trong những nguyên nhân của hiện tượng ùn ứ nông sản, được mùa mất giá của nông dân là do công tác thông tin kết nối từ sản xuất tới tiêu dùng chưa thông suốt, hiệu quả. Ông có thể giải thích rõ hơn về tình trạng này? Các Bộ, ngành đã và sẽ thực hiện những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế nêu trên trong công tác thông tin?
(Nguyễn Thanh Tú)Ông Nguyễn Mạnh Dũng:
Về vấn đề kết nối thông tin, tôi cho rằng chúng ta đã làm và làm khá nhiều. Ví dụ hầu hết các loại cây chủ lực của Việt Nam đều được ban hành về quy hoạch sản xuất và các quy hoạch đó đều luôn được gắn với yếu tố thị trường. Việc đứt đoạn thông tin nói trên, theo tôi có mấy vấn đề như sau.
Quy hoạch gắn với thị trường thường bị đứt ở khâu cán bộ địa phương như Sở Nông nghiệp, UBND xã huyện không có kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người sản xuất. Do đó các phòng ban trên Bộ hướng dẫn nhiều nhưng cũng khó đến được với người dân.
Thứ hai, bản thân người dân có thói quen sản xuất theo tập quán chưa chú trọng tín hiệu thị trường, chưa để tâm tín hiệu thông tin mà cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp. Để khắc phục, chúng tôi đều có những tổ chức đưa thông tin đến nông dân thông qua các hoạt động kết nối như khuyến nông, tổ chức hội nghị khách hàng, Từ năm 2012 Cục chế biến đều tổ chức trên 10 hội nghị khách hàng mỗi năm nhằm đưa thông tin thị trường đến người sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi đưa thông tin lên trang web, cộng với các phương tiện thông tin đại chúng như VTV, VOV hay với VnExpress hôm nay để đưa thông tin đến càng nhiều nông dân càng tốt.
Có một thông tin quý vị có thể tham khảo như chúng tôi đang xuất bản bản tin nông nghiệp mỗi tuần một số nếu quý vị có nhu cầu thông tin có thể truy cập vào website hoặc số điện thoại của chúng tôi.
Tôi cho rằng ở đây thông tin hai bên vẫn không gặp nhau ở chỗ cơ quan quản lý Nhà nước không thể phủ sóng ở khắp mọi nơi và người sản xuất chưa đủ nhạy bén để thu thập những thông tin đó.
Bộ Nông nghiệp sản xuất vẫn đang sản xuất theo tín hiệu thị trường, xuất khẩu theo định hướng của Bộ Công thương và sự điều phối, điều hành của Chính phủ. Chẳng hạn chúng tôi muốn quy hoạch chế biến gỗ đều phải có liên hệ chặt chẽ với Cục Xuất khẩu Bộ Công Thương để nắm bắt tín hiệu thị trường. Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương đều có liên kết chặt chẽ ko tách biệt. Năm ngoái hai Bộ trưởng ký thỏa thuận hợp chặt chẽ trong lĩnh vực nông sản nhằm hỗ trợ cao nhất cho người nông dân.
Ông Trần Tuấn Anh:
Trên thực tế, các bộ ngành đều hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình và chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Thông tin là khâu cơ bản trong việc thực hiện chính sách, tiếp thu ý kiến thị trường. Thời gian qua, khi có thông tin về đứt đoạn thông tin thì có vấn đề trong thông tin nghiên cứu thị trường để phục vụ xuât dựng quy hoạch. Đây không chỉ ảnh hưởng đến xây dựng mà còn là dự báo phát triển quy hoạch. Quy hoạch phải dựa trên năng lực và lợi thế so sánh của chúng ta, có sự phối hợp chặt chẽ giữa trong với ngoài nước, giữa các bộ ngành, địa phương để xây dựng quy hoạch cho tốt. Tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng trung tâm dữ liệu vừa để xây dựng chính sách vừa để diều hành.
Thứ hai là phải xác định loại đối tượng, từng loại thông tin cần thiết để cung cấp, như thông tin dành cho điều hành, xúc tiến thương mại, cho ngành hàng, nông dân sẽ khác. Do đó, phải có sự kết nối trong việc xác định và cung cấp thông tin cho hiệu quả.
Cuối cùng, quan trọng nhất là phải tính một cơ chế sao cho có vai trò của doanh nghiệp, vừa là người khai thác, vừa là người đặt hàng thông tin. Khâu thông tin sẽ có chốt như vậy trong phát triển ngành nông sản của chúng ta.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng
-
Là người lăn lộn nhiều năm với ngành nông nghiệp, Tiến sĩ Ngọc có thể cho biết thêm ý kiến về những khó khăn cũng như giải pháp để thúc đẩy quy hoạch ngành, cũng như đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ nông sản?
(Thành Nam)Ông Nguyễn Trí Ngọc:
Hàm lượng chất xám tham gia vào các mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung mới đạt 40%. Đánh giá này của các cơ quan nghiên cứu tôi cho là có cơ sở. Hàm lượng thế là thấp so với yêu cầu và tiềm năng. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng thời gian tới để nâng cao chất lượng là giải pháp khoa học công nghệ. Trước hết là giải pháp về giống, nếu làm tốt, chúng ta sẽ có bước đột phá mới để nâng cao chất lượng, để tham gia thị trường thế giới cũng như nội địa.
Sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua đã xây dựng triển khai nhiều quy hoạch trên lĩnh vực trồng trọt, nông nghiệp, chăn nuôi..., tất cả đều có cả và có nhiều sự điều chỉnh của các quy hoạch đó. Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện sản xuất theo quy hoạch vẫn là yếu kém, đây là tồn tại từ xưa đến nay. Quy hoạch thì có nhưng tổ chức chỉ đạo và thực hiện sản xuất chưa bám sát quy hoạch, chưa thực hiện đầy đủ theo yêu cầu đề ra. Chất lượng quy hoạch và những chế tài thực hiện quy hoạch đó còn kém. Về chất lượng, có cái cứ phải điều chỉnh đi lại, thực tế lại không diễn ra như quy hoạch. Về chế tài, việcđảm bảo hàng hóa đáp ứng thị trường cả về số và chất lượng thì câu chuyện này làm chưa tốt.
-
Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam. Vậy những vấn đề trong xuất khẩu tới thị trường này là gì, định hướng và giải pháp để giải quyết những khó khăn trong xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường này?
(Trần Bảo, 29 tuổi)Ông Nguyễn Mạnh Dũng:
Trung Quốc đúng là một thị trường lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường gọi là lớn như vậy nhưng vẫn có một đặc điểm đó là tính mùa vụ. Muốn xuất khẩu sang Trung Quốc một cách bền vững thì chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào để nông sản không trùng với mùa vụ bên Trung Quốc. Ví dụ hiện nay Trung Quốc cũng trồng vải và là loại chín muộn. Do đó chúng ta có thể trồng những loại vải chín sớm trước 10/5, để chiếm lấy thuận lợi vì lúc này thị trường họ chưa có vải. Nhưng trên thực tế hiện nay chúng ta đang mò mẫm, thậm chí làm ngược. Ví dụ nhiều viện nghiên cứu như Viện Nông nghiệp đang tạo ra những loại vải chín muộn, hay nghiên cứu công nghệ chậm chín, làm kéo dài thời gian tiêu thụ trái vải của Việt Nam. Tôi cho rằng điều này không phù hợp. Theo tôi 1/3 diện tích vải của chúng ta cần được dành để trồng loại vải chín sớm. Lịch tiêu thụ không trùng với người ta thì việc tiêu thụ dễ dàng hơn cho người nông dân. Cũng chung ví dụ như vậy, việc thu hoạch dưa hấu cần tránh thời điểm họ cũng đang vào vụ dưa hấu.
Thứ hai, chúng ta cần có công nghệ bảo quản chế biến phù hợp nhưng cần có giá thành rẻ vì Trung Quốc có đặc trưng là thị trường dễ tính và cạnh tranh bằng giá. Những công nghệ chi phí quá cao không cạnh tranh được.
Chúng ta cần có nghiên cứu về phân khúc thị trường phù hợp. Trung Quốc là thị trường tỷ rưỡi dân và không phải ai cũng có nhu cầu tiêu thụ như ai, có những phân khúc còn thấp hơn chúng ta. Do đó không nhất thiết khi nào cũng phải phấn đấu tốt để hướng đến thị trường ở mức cao khi xuất sang Trung Quốc.
Cuối cùng, tôi cũng có lời khuyên là không nên đặt cửa vào một thị trường duy nhất nào. Ví dụ 40% lượng gạo hiện nay đang được xuất sang Trung Quốc, do đó chỉ một biến động nhỏ ở thị trường cũng mang đến rủi ro cao.
Ông Trần Tuấn Anh:
Thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Trong đó, có những mặt hàng quan trọng thị trường Trung Quốc trở thành thị trường cơ bản như gạo chiếm 40%, cao su, sắn lát... Nếu có biến động từ thị trường Trung Quốc thì chắc chắn sẽ tạo ra bất lợi cho tiêu thụ của Việt Nam.
Nhưng tiêu thụ tại Trung Quốc cũng dựa trên lợi thế của Việt Nam bên cạnh quan hệ hợp tác, nên chúng ta phải đảm bảo được năng lực cạnh tranh, như chấtlượng, giá thành, đáp ứng được yêu cầu về quy cách phẩm chất, hàng rào kỹ thuật. Tuy Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng cũng có những yêu cầu riêng về hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, trong 4,8 tỷ USD thì xuất khẩu chính ngạch vẫn chiếm đa số, tiểu ngạch chỉ chiếm phần nhỏ, nên phải có cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Trung Quốc và có những kết nối sâu với thị trường nội địa Trung Quốc. Các chương trình kết nối thương mại, xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ những rào cản cũng sẽ góp phần phát triển thương mại với Trung Quốc.
Tiếp tới, như đề án thông tin về thị trường, định hướng thị trường cũng như thông tin về điều hành thị trường cũng rất cần thiết, giúp cho doanh nghiệp, ngành hàng vượt qua những rào cản của họ.
Về tiểu ngạch và thương mại của cư dân ở biên giới, một điều quan trọng là vẫn cần có sự kết hợp với nông dân đưa hàng qua biên giới
-
Cơ quan quản lý nghĩ gì với thông tin hơn chục thương lái Trung Quốc chi phối thị trường Việt Nam?
(Thạch Thái Doãn, 40 tuổi)
Các cơ quan nhà nước có quản lí được các thương lái Trung Quốc thu mua và ép giá nhân dân không. Nếu có thì ta đã quản lí họ như thế nào, hiệu quả ra sao và tương lai cần phải làm những gì để quản lí được hiệu quả hơn?Ông Trần Anh Tuấn:
Thông tin này cần đính chính lại, không phải là hơn chục thương lái mà đây là số lượng đầu mối từ phía Trung Quốc. Nhưng việc xuất dưa hấu sang Trung Quốc vẫn là hình thức tiểu ngạch- hình thức tồn tại lâu nay giữa hai bên. Đặc thù của tiểu ngạch là thương lái, doanh nghiệp quan hệ với nhau thông qua việc trao đổi hàng nhận tiền chứ không có hợp đồng. Chính vì vậy, hiện tượng ùn tắc cục bộ là do năng lực thông quan của cơ quan chức năng là hải quan, kiểm duyệt thực vẫn còn hạn chế. Do tập quán tiểu ngạch, khi thông quan đối tác sẽ kiểm tra chất lượng trước không không đạt họ sẽ trả lại, do đó đây là nguyên nhân khiến mất khá nhiều thời gian thông quan.
Hình thức này vẫn tồn tại trong thời gian tới, do vậy, việc tiếp tục các biên pháp nâng cao năng lực hoạt động thương mại biên giới là việc vẫn phải làm.Theo tôi, cần lưu ý mấy điểm sau: Thứ nhất, tiếp tục phói hợp lực lượng chức năng hai bên.
Thứ hai, thay đổi tập tục thương mại tiêu ngạch khuyến khích doanh nghiệp hai bên trong đó có Việt Nam ký kết hợp đồng thương mai để giảm bớt rủi ro.
Thứ tư, Bộ đã xây dựng đề án xây dựng trung tâm chuyên chuyển để bảo quản sản phẩm, tránh thương lái ép giá khi có hiện tượng dội hàng.
Cuối cùng là đối thoại ở kênh Chính phủ cho doanh nghiệp hai bên có hợp tác hiệu quả hơn chứ không trông chờ tiểu ngạch, điểm này, theo tôi hoàn toàn phụ thuộc vào việc sản xuất.
-
Hiện nay một số mặt hàng vải thiều đang bắt đầu vào mùa thu hoạch và tiêu thụ. Cơ quan quản lý đã chuẩn bị chuẩn bị kế hoạch như thế nào để tình trạng được mùa rớt giá, ùn ứ nông sản không tiếp tục xảy ra?
(Phạm Thanh Hà, 37 tuổi)Ông Trần Tuấn Anh:
Đối với mặt hàng vải năm nay, Bộ Công Thương trên cơ sở rút kinh nghiệm với Bắc Giang về kết quả mùa năm trước đã chủ động tạo khâu kết nối thị trường. Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã cùng Bắc Giang tổ chức 2 hội nghị kết nối với doanh nghiệp đầu mối Trung Quốc tại Lào Cai, Lạng Sơn. Nội dung cụ thể là tạo điều kiện cho 2 phía trao đổi trong việc tổ chức, thu mua, bao tiêu sản phẩm vải Bắc Giang qua 2 cửa khẩu.
Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm đến thị trường nội địa, năm ngoái đây là thị trường giúp cho Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ hết vải. Tháng 6 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bắc Giang, Hải Dương, TP HCM để kết nối thị trường, cùng thống nhất kết nối tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị tham gia phân phối lưu thông vải nội địa.
Ngoài ra, thời gian qua Việt Nam cũng thành công trong việc mở cửa thị trường khó tính như Mỹ, Australia. Các thị trường này đều đã có thông báo hoàn thành quy trình xuất khẩu vải. Thông thường, để hoàn thành một quy trình mất đến 4-5 năm vì rất phức tạp. Ngoài ra, hiện nay Bộ cũng đang làm đề án xuất khẩu sang Pháp với 200 tấn, ngoài ra còn các thị trường khác. Chúng tôi cho rằng đây là thị trường khó tính, cần nhiều sự kết nối giữ người nông dân với thị trường nên chúng ta không vội, trước mắt cần làm tốt khâu chất lượng, các yêu cầu VietGap, Gloabal Gap chúng ta phải nhân rộng thời gian tới, vì không chỉ Mỹ, Úc mà còn là yêu cầu với các thị trường xuất khẩu khác.
Ngoài ra còn khải tính đến khâu quy hoạch để đảm bảo quy trình canh tác theo yêu cầu của đối tác, có như vậy mới cạnh tranh được với các nước khác. Từ đó, tôi tin rằng mặt hàng vải sẽ đảm bảo được khâu tiêu thụ.
-
Việc bảo quản nông sản để xuất khẩu là điều quan trọng nhưng nông dân và doanh nghiệp quá khó để có thông tin hướng dẫn cách bảo quản. Chúng tôi đã liên hệ với các viện nghiên cứu nhưng hầu như không nhận được câu trả lời. Các bộ ngành có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này?
(Lê Quốc, 39 tuổi)Ông Nguyễn Mạnh Dũng:
Với tư cách nhà khoa học bảo quản chế biến cũng như quản lý những vấn đề độc giả nêu theo tôi chưa đúng thực tế, có thể bạn trao đổi với cơ quan chưa có bề dày. Kinh nghiệm trên thế giới có nhiều công nghệ chế biến bảo quản thành công như vải bằng ozon, ion âm, sấy vải, sấy long nhãn… Năm 2013 Bộ đã ứng dụng công nghệ chế biến cá ngừ của Nhật hiện nay vẫn rất hiệu quả.
Việc hỗ trợ người nông dân tiếp cận thành tựu trong chế biến bảo quản vẫn còn hạn chế trong đó có hạn chế về nguồn lực, do đo việc chuyển giao công nghệ đến người nông dân còn nhiều hạn chế. Do vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến còn khó khăn. Như có một doanh nghiệp chiếu xạ thanh long đã liên hệ với Mỹ để công nhận quy trình chiều xạ nên họ độc quyền, doanh nghiệp ngoài Bắc muốn xuất khẩu vải thì phải vào Nam bởi doanh nghiệp đầu tư nhiều năm, nên bản thân nhà nước không thể tự làm mà cần doanh nghiệp. Bài học nhãn tiền cách đây vài năm chúng ta làm dứa và cà chua cô đặc, rất nhiều doanh nghiệp cùng nhảy vào làm nhưng cuối cùng đều phải đóng cửa hàng loạt vì không có nguyên liệu, hiện chỉ còn nhà máy tại Đồng Giao hoạt động. Vì không có nguyên liệu, một nhà máy công suất 200 tấn dứa một ngày, chỉ chạy một ngày mà đóng cửa 20 ngày. Do đó, việc này cần sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
-
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhưng ngay sau khi kết thúc vụ dưa vừa qua, nông dân tại một số địa phương cho biết sẽ tiếp tục trồng vụ mới. Ông có bình luận gì về hiện tượng này và hướng giải quyết đề xuất ra sao?
(Hoàng Anh, 35 tuổi)Ông Nguyễn Mạnh Dũng:
Lo ngại của độc giả nói trên hoàn toàn chính đáng. Nhưng thực tế, việc nông dân tiếp tục trồng dưa cho thấy vẫn tin tưởng vào loại cây này, chứng tỏ trong quá trình sản xuất họ không tìm được loại cây nào hiệu quả hơn. Nếu chuyển sang loại cây khác thì có khả năng yếu tố hên xui còn nhiều hơn.
Với những giải pháp mà Thứ trưởng Trần Tuấn Anh vừa đưa ra, chúng ta thấy rằng ùn ứ chỉ là cục bộ, mưa bão ngập lụt chỉ là một phần nguyên nhân. Phần lớn nguyên nhân ùn ứ đến từ việc lưu thông. Tôi cho rằng trong trường hợp này, người nông dân vẫn bắt được tín hiệu từ thị trưởng nên mới trồng dưa. Trước khi trồng họ phải xem tín hiệu thị trường rồi họ mới trồng.
Khi chúng ta định hướng thị trường, cũng phải phụ thuộc phần lớn vào quyết định của người nông dân, nhà quản lý không thể bắt buộc nông dân đang trồng dưa lại chuyển sang cây lúa.
Tôi nhớ câu nói của một Thị trường Nhật Bản tên Hiramatsu là không thể bắt nông dân trồng cái A cái B vì khi họ trồng xong nếu không bán được họ sẽ mang đến cửa nhà quản lý.
Do đó, khi định hướng chúng ta phải làm sao để định hướng người nông dân trồng cân nhắc tới sự phù hợp với thế mạnh của người dân cũng như nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Trí Ngọc
Tôi tán thành ý kiến của Thứ trưởng. Tôi nghĩ hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ cho thị trường nông nghiệp có những bất cập. Thông tin sản xuất tiêu thụ sản phẩm của một số sản phẩm rất khó tìm kiếm. Nếu tìm những cây cung cấp đó từ phía nhà nước (sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tồn kho), số liệu này "kín như bưng". Đó là bất cập thứ nhất. Trong đó, các cơ quan nhà nước có đủ dữ liệu. Tôi biết cả 2 bộ đều có dữ liệu, nhưng chỉ phục vụ cho lãnh đạo, rất ít khi doanh nghiệp, người nông dân được tiếp cận chúng.
Có những thông tin ngay bản thân những doanh nghiệp nắm được nhưng lại không cung cấp ra đầy đủ cho nông dân. Những câu chuyện về bí mật thương mại tôi không nói nhưng đó cũng thể hiện bất cập.
Thứ hai, vai trò của chính quyền địa phương. Tôi rất đồng tình với Thứ trưởng. Với các bộ ngành, để triển khai tháo gỡ, có rất nhiều công việc đã làm, đề án nọ đề án kia. Nhưng những đề án được duyệt, để đấy, triển khai xuống địa phương lại ách tắc. Vì vậy, lại tiếp tục trồng dưa hấu thì nó thể hiện nhiều bất cập. Làm sao khắc phục được thì cần từ nhiều phía để thông tin thị trường đến được người dân, doanh nghiệp, để cơ quan quản lý Nhà nước nắm được, điều hành theo đúng định hướng.
Thứ ba, sự phối kết hợp, ở đây có sự phân cấp trong tiêu thụ nông sản và phân cấp của Chính phủ với các bộ ngành, tôi thấy có nhiều vấn đề. Nếu chúng không được giải quyết, những trục trặc này vẫn xảy ra.
Ông Trần Tuấn Anh
Tôi cho rằng có một điểm mà chúng ta cần thống nhất với nhau, hiện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc thống nhất với nhau để đánh giá tình hình và triển khai công tác phối hợp với nhau thời gian tới, đó chính là khâu nắm bắt thông tin của nông dân như thế nào. Chúng ta phải cung cấp được đầy đủ thông tin cho người nông dân, thống nhất cung cấp thông tin gì, như thế nào cần phải bàn rõ ràng.
Một thành phần khác cần nói đến và có vai trò quan trọng là chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương không ép được người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì nhưng có thể hướng dẫn người nông dân trong khâu canh tác và tiêu thụ.
Tôi muốn nói lại tình trạng ùn tắc dưa hấu, khi đó có yêu cầu địa phương đánh giá tình hình sản lượng dưa hấu, nhưng thực tế cho thấy là địa phương không nắm được sản xuất ở địa phương. Hai bộ không thể xuống làm thay địa phương, nên chúng tôi cho rằng khâu thông tin, kể cả tín hiệu thị trường cũng rất cần thiết, kể cả khâu lan tỏa thông tin cũng là vấn đề.
Thời gian tới đây 2 bộ sẽ làm việc với địa phương, vùng nông sản về khâu định vị và phổ biên thông tin và làm cách nào để phát triển nông sản
Về câu chuyện người nông dân vẫn phải canh tác dưa hấu và đối mặt với hên xui, tôi nghĩ hên xui phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện canh tác và thị trường tiêu thụ. Theo tôi, thông tin về tiêu thụ thị trường chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá và phổ biến cho người nông dân nhưng phải có sự phối hợp của bộ ngành trong phổ biến và sự kết nối với doanh nghiệp.
Chẳng hạn như mặt hàng vải làm rất tốt trong khâu kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân, nhưng dưa hấu lại có tình trạng ùn ứ. Do đó, đặc biệt phải có sự kết nối giữa người nông dân với doanh nghiệp, địa phương để phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng
Tôi cũng muốn bổ sung thêm một ý sau câu trả lời của anh Ngọc, đó là có một điều chúng ta chưa quan tâm đúng mức là lôi kéo doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng. Ví dụ năm nào chúng tôi cũng phải giải quyết vấn đề buôn bán vải Lục Ngạn, nhưng chúng tôi nhận thấy trên thực tế những người này rất nhạy bén. Bên kia biên giới giá tăng thì lập tức họ báo về để giá đầu nguồn tăng luôn. Tôi cho rằng các doanh nghiệp ngành vải hiện nay tương đối nhạy bén về mặt thông tin. Trong khi đó những mặt hàng như dưa hấu, hành tím vẫn chưa chú ý vấn đề thông tin doanh nghiệp. Chúng ta phải có được kết nối của doanh nghiệp đến quá trình tiêu thụ của nông dân, không để nông dân tự "bơi".
Ông Nguyễn Mạnh Dũng.
-
Thời gian qua, dư luận khá quan tâm đến vấn đề nông sản ùn ứ, khó tiêu thụ như dưa hấu, thanh long, hành tím… Việc này đã được giải quyết như thế nào?
(Nguyễn Mạnh Dũng, 26 tuổi)Ông Trần Tuấn Anh thời gian qua có hiện tượng ùn tắc cục bộ một số mặt hàng trái cây khi thông quan. Từ đầu năm Bộ đã có dự báo trước khả năng sản lượng dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu sẽ vượt qua khả năng của cửa khẩu. Bộ đã có chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức với phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan, đồng thời có văn bản đề nghị địa phương rà soát quy hoạch và sản lượng phục vụ xuất khẩu.
Thực tế vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 Bộ cử cán bộ lên cửa khẩu để làm việc trực tiếp với địa phương và phía Trung Quốc nhằm tổ chức nâng cao hơn năng lực thông quan. Đầu tháng này, Bộ đã làm việc với địa phương một số việc như sau: Thứ nhất, rà soát lại, đánh giá để có biện pháp tổ chức thông quan tốt hơn. Thứ hai, hai bên kéo dài thời gian làm việc từ 7h sáng đến 20h tối. Thứ ba, mở thêm các địa điểm để tạo điều kiện cho các xe sang cửa khẩu để tăng dung lượng. Thứ tư, chủ động làm việc với địa phương- vùng trồng dưa hấu như Quảng Ngãi, Phú Yên... thống nhất tổ chức các phương án cụ thể nhất, đồng thời phối hợp tổ chức với các doanh nghiệp đầu mối để giảm bớt thời gian vật chất.
Tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời của mùa vụ 2015. Sắp tới, quan trọng nhất là tổ chức lại cụ thể mặt hàng như dưa hấu, quả vải là mặt hàng có tính thời vụ nhưng có thể dự báo được thị trường cũng như năng lực tổ chức. Vừa qua, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp cùng 4 địa phương miền Trung, với phía Trung Quốc phải thống nhất cơ chế của hai bên một cách thuận lợi nhất. Cùng đó, rà soát với địa phương nâng cấp hạ tầng cửa khẩu đặc biệt khu trung chuyển lưu giữ các nông sản tránh hiện tượng cục bộ ách tắc ảnh hưởng đến giá cả. Nếu có phối hợp chung giữa các bộ và địa phương sẽ có điều kiện cung cấp thông tin đến địa phương, nông dân.
-
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan quảm lý có giải pháp gì để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước?
(Nguyễn Hoàng Minh, 27 tuổi)Ông Trần Tuấn Anh:
Về công tác phát triển thị trường trong nước, chúng ta đều có các đề án và chỉ đạo của Chính phủ, ví dụ mới đây nhất là đề án đổi mới phương thức tiêu thụ 4 nông sản chủ yếu như gạo, thủy sản...
Trong đó, tập trung vào phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng nông thôn. Đây là điều quan trọng, thời gian qua chúng ta để điểm trắng lớn trong hệ thống hạ tầng, đặc biệt là chợ đầu mối, chợ lớn khiến luân chuyển hàng hóa không thuận lợi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện trượng được mùa, mất giá. Ngoài ra, việc thiếu hạ tầng còn khiến tổn thất sau thu hoạch rất lớn, làm giảm giá trị sản phẩm.
Thứ hai là thiếu cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phân phối, như chợ, cửa hàng tiện lợi... chưa có điều kiện phát triển ở nông thôn.
Thứ ba là hệ thống hạ tầng sau thu hoạch phát triển chưa tốt, nên chỉ có một số mặt hàng như gạo, cà phê có kho sau chế biến, nhưng chất lượng chưa cao nên việc tạm trữ chưa thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu.
Do đó, thời gian qua bên cạnh đề án nghiên cứu phương thức tiêu thụ nông sản, đề án kết nối giữa địa phương để tạo sự liên kết giữa thương lái, hợp tác xã và nông dân đã có một số kết quả, Bộ Công Thương cũng triển khai cho các địa phương chương trình bình ổn giá, như kết nối hệ thống siêu thị, công ty thương mại với các vùng nông sản. Trên thực tế, hiện nay phương thức này đã mở ra ở 44 địa phương, không cần nguồn trợ giá của chính phủ nhưng đã thực hiện khá tốt như TP HCM, vùng Đông Nam Bộ. Đây là mô hình thuận lợi và có thể nhẩn ộng.
Nhưng quan trọng nhất là vẫn phải có biện pháp đồng bộ để tạo ra chuỗi giá trị và có doanh nghiệp tham gia. Chính doanh nghiệp là người kết nối giữa nông dân với thị trường và doanh nghiệp chính là động lực để nông dân cải thiện chất lượng sản phẩm.
Hiện nay yêu cầu của người dân rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức mua bán nên rất cần sự tham gia của doanh nghiệp, Như vậy, cần cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia quá trình phân phối.