- Hiện tại BHYT có nhiều vấn đề, chuyên gia vui lòng giải đáp một số vấn đề sau:
1. Hiện người di cư nhiều, không nhẽ chạy mấy chục km để khám chữa bệnh. Như vậy phải khám chữa bệnh trái tuyến, mà trái tuyến không được hưởng bảo hiểm, liệu có ổn không?
2. Bắt buộc bệnh nhân vào khám chữa bệnh ở những cơ sở thiếu điều kiện như trung tâm y tế hay phòng khám, liệu có ổn không?
3. Bệnh nhân khám chữa bệnh ở những cơ sở BHYT đúng tuyến vẫn trả phí cao hơn dịch vụ vì những vật tư y tế hay thuốc ngoài danh mục với giá rất cao, liệu có ổn không? (Le Van Khanh, Hà Nội)
- Ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế:
Chào bạn,
Người di cư khi đến nơi cư trú mới được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú. Vào đầu mỗi quý, người tham gia BHYT có quyền đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đến trạm y tế xã, cơ sở y tế tuyến huyện hoặc tương đương gần nơi cư trú mới để thuận tiện cho việc đi khám chữa bệnh.
Riêng trường hợp cấp cứu bạn có thể đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ theo quy định để được quỹ BHYT thanh toán.
Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT được khám chữa bệnh gần nơi cư trú, Luật BHYT quy định tất cả các đối tượng tham gia BHYT đều có quyền đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế xã, tuyến huyện hoặc tương đương.
Như vậy, người tham gia BHYT có quyền được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, không bắt buộc phải đăng ký ở những cơ sở thiếu điều kiện. Ngoài ra, Luật BHYT còn quy định tổ chức BHYT chỉ được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ sở y tế đủ điều kiện.
Bạn được quyền đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHXH cho bạn để được hướng dẫn lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu cho phù hợp.
Hiện nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT có hơn 1.000 loại, chưa kể các thuốc phối hợp khác và danh mục vật tư y tế khoảng 300 loại, cơ bản đảm ứng nhu cầu khám chữa bệnh.
- Kính gửi: ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế)
Trước chính sách BHYT hiện nay, tôi là người dân, làm trong cơ quan nhà nước, thực sự thấy bức xúc 2 vấn đề sau:
1. Không phải người dân không muốn tham gia BHYT, mà thực sự khi có bệnh tìm tới bệnh viện thì người dân phải chờ đợi rất lâu, nhiều thủ tục, thuốc phát BHYT có khi là thuốc đã hết hạn, về nhà rồi mới đọc mới biết. Vậy, mỗi năm đóng tiền, nhưng không dám dùng BHYT mà "thôi thì khám dịch vụ cho rồi", thì chẳng ai muốn đóng BHYT.
2. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ các nhân viên bệnh viện kê khống thông tin về người tham gia BHYT để hưởng lợi từ ngân sách BHYT. Phần thiệt hại đó đương nhiên quy ra là người đóng BHYT phải thiệt hại.
Thiết nghĩ tại sao cơ quan BHYT không lập thẻ điện tử BHYT cho người dân (giống thẻ ATM vậy) có mã số, sẽ dễ quản lý về thủ tục hành chính, và người dân cũng không phải mỗi năm lại làm một đống thủ tục, nhận cái mảnh giấy ghi "thẻ BHYT", làm rách thì coi như mất. Nhân viên bệnh viện cũng không khai khống hồ sơ BHYT để chuộc lợi được, không có chuyện phát thuốc hết hạn cho người dân. Thủ tục hồ sơ khám chữa bệnh thì nhanh gọn hơn, ít phải tốn nhân viên BHYT hơn. Việc này cũng rất tiện cho việc thống kê của cơ quan BHYT dựa trên phần mềm quản lý: số người khám chữa bệnh, khám gì, thuốc gì.... (Khue Doan, Hà Nội)
- Ông Phan Văn Toàn:
Nếu đúng như bạn phản ánh thì bệnh viện đã thực hiện sai, đề nghị bạn phản ánh cụ thể tên của bệnh viện đã phát thuốc hết hạn, tốt nhất là có bằng chứng để để chúng tôi giải quyết
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang nghiên cứu và sẽ triển khai cấp thẻ BHYT điện tử.
Ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế (trái) và ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ảnh: Quý Đoàn. |
- Tôi có một thắc mắc. Tại sao không cho đăng ký bảo hiểm ban đầu tại nơi sinh sống, làm việc cho thuận tiện. Tôi hộ khẩu ngoài HN, vào miền Nam sinh sống, muốn mua bảo hiểm, đăng ký khám trong Sài Gòn không được, bắt phải ra Hà Nội mua và đăng ký khám ngoài đó. Rất bất tiện và phức tạp. Nên tôi quyết định, không mua bảo hiểm, đi khám ngoài. (Nam Hoang, Hà Nội)
- Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Theo quy định thì người dân được mua bảo hiểm y tế gần nơi sinh sống và nơi làm việc. Vì vậy trường hợp của bạn, để mua được thẻ bảo hiểm y tế theo yêu cầu, bạn đến ủy ban nhân dân phường, xã nơi bạn đang cư trú để được hướng dẫn kê khai danh sách mua bảo hiểm y tế và đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế tuyến huyện hoặc xã.
- Cả nhà tôi đều có bảo hiểm y tế nhưng còn một chị gái (50 tuổi) chưa mua. Chị gái tôi có sổ hộ khẩu riêng, nếu mua thì có được hưởng giảm theo các thành viên trong nhà không. (Hồng Nhiệm)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được hưởng giảm mức đóng từ người thứ hai trở đi. Vì vậy, trường hợp của chị gái bạn - có sổ hộ khẩu riêng - được tính là một hộ gia đình và chỉ có một người tham gia thì không được hưởng giảm theo quy định.
- Vợ tôi được công ty đăng ký bảo hiểm y tế tại Viện Y học cổ truyền - Bộ Công An. Khi vợ tôi có thai được 37 tuần, vợ tôi muốn sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nên đã tới Bệnh viện Y học cổ truyền để làm giấy chuyển viện. Tuy nhiên, cán bộ bệnh viện nói họ có quy định sản phụ phải đủ 39 tuần họ mới cấp giấy chuyển viện. Quy định thứ hai của Bệnh viện Y học cổ truyền là chỉ cấp giấy chuyển viện cho sản phụ một lần duy nhất, sẽ không cấp lại lần 2.
Tôi muốn hỏi Bệnh viện Y học cổ truyền làm như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT? Xin cảm ơn. (nguyễn đức hoàng, 32 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội)
- Ông Phan Văn Toàn:
Không có quy định sản phụ phải đủ 39 tuần mới được chuyển viện. Việc chuyển viện phụ thuộc vào tình trạng của sản phụ và khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.
Về giấy chuyển viện, chỉ cần cấp một lần, nơi tiếp nhận sẽ căn cứ vào tình trạng của sản phụ để hẹn khám lại cho các lần sau.
Trường hợp Viện Y học cổ truyền - Bộ Công an có khoa Sản và đủ khả năng chuyên môn theo dõi tình trạng sản phụ và thai nhi; nếu bạn muốn sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì bệnh viện không chuyển đi là đúng. Nếu bạn vẫn muốn được theo dõi và sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì Bảo hiểm y tế sẽ chỉ thanh toán chi phí theo mức hưởng của trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Trường hợp Viện Y học cổ truyền - Bộ Công an không có khoa Sản hoặc không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn thì bệnh viện phải chuyển sản phụ đến bệnh viện có khả năng theo dõi tình trạng sản phụ và thai nhi mà không giới hạn về tuổi thai và số lần chuyển viện.
- Gia đình tôi có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con, gái đầu 23 tuổi, cháu sau 8 tuổi. Vợ chồng và cháu thứ hai có BHYT. Tôi làm hồ sơ mua BHYT cho cháu đầu. Tuy nhiên, nơi bán BHYT lại thông báo sau 2 tháng mới có thẻ. Như vậy là đúng hay sai. BHYT tự nguyện giao cho bưu điện bán đã đúng chức năng chưa. Lãnh đạo bưu điện có chức năng trả lời thắc mắc, khiếu nại của người dân đến mua BHYT tự nguyện không? (trần thắng, 50 tuổi)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì mọi người dân bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế từ 1/1/2015, vì vậy hiện nay không còn khái niệm tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Việc nơi bán BHYT cho bạn trả lời sau hai tháng mới có thẻ là sai vì theo quy định của Luật BHYT người tham gia BHYT nộp tiền cho đại lý BHYT ngày nào thì ngày đó được tính là thời gian đóng BHYT và đại lý có trách nhiệm nộp danh sách và tiền cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong vòng 10 ngày từ khi nhận được danh sách tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp thẻ cho người tham gia BHYT và đại lý có trách nhiệm chuyển thẻ đến tay người tham gia. Người tham gia BHYT liên tục thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày đóng, trường hợp người tham gia BHYT lần đầu hoặc có gián đoạn trên 3 tháng thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày.
Nhiều tổ chức, cá nhân có thể đăng ký làm đại lý cho cơ quan BHXH để bán BHYT cho người dân. Vì vậy, cán bộ bưu điện cũng có thể làm đại lý bán BHYT.
- Bố tôi bị bệnh Parkinson có đăng ký bảo hiểm tại Bệnh viện Hiệp Hòa. Hằng tháng, ông phải lấy thuốc bảo hiểm về uống nhưng tuyến huyện không có thuốc này. Trước đây, cứ 2 tuần ông phải đi bệnh viện lấy thuốc và mỗi lần lấy thuốc thì ông phải lên huyện xin giấy chuyển viện để lên bệnh viện tỉnh lấy thuốc. Giờ thì ông được phát một tháng một lần. Vấn đề ở đây là ông đã già yếu, cộng thêm bệnh tật nên đi lại gặp khó khăn, con cái thì mỗi người cư ngụ ở một nơi không có điều kiện để đưa ông đi. Hơn nữa mỗi lần đi lấy thuốc đều phải qua huyện xin giấy cộng thời gian đi lại đã mất một ngày khiến cho ông rất mệt mỏi. Không hiểu khi bệnh của ông có diễn tiến nặng không đi lại được thì làm thế nào vì nhiều khi con cái muốn lấy hộ thuốc mà bệnh viện họ không cho.
Điều tôi thắc mắc là tại sao một người mang bệnh mãn tính như ông mà ngành y tế không có một cơ chế riêng để cho họ có thể vẫn sử dụng được sự ưu đãi của bảo hiểm y tế mà vẫn rất tiện lợi cho người bệnh và cho cả bệnh viện. Ví dụ như chỉ cần một lần làm thủ tục giấy chuyển viện là xong và quy định định kỳ mỗi quý hoặc 6 tháng nên khám tổng quát lại một lần. Còn lại hằng tháng có thể người thân lấy hộ thuốc.
Tôi mong rằng chính sách bảo hiểm y tế có thế sửa đổi làm sao đề có những người bệnh như bố tôi có thế được hưởng lợi một cách tốt nhất. (Đỗ Thị Thu Giang, 33 tuổi, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang)
- Ông Phan Văn Toàn:
Việc nhờ người thân lấy hộ thuốc hiện nay luật chưa có quy định. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người bệnh Thông tư số 37/2014/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/1/12015, bệnh Parkinson là 1 trong 47 bệnh và nhóm bệnh chỉ cần xin giấy chuyển viện 1 lần và được sử dụng trong cả năm dương lịch. Vì thế, bố bạn chỉ cần đến bệnh viện huyện xin giấy chuyển viện một lần trong một năm, các lần tiếp theo không cần xin giấy chuyển viện.
Ông Phan Văn Toàn đang trả lời phỏng vấn trực tuyến. Ảnh: Quý Đoàn. |
- Tôi ở tỉnh A nhưng công tác ở tỉnh B, cơ quan tôi mua bảo hiểm y tế cho tôi, trong đó ghi là Bệnh viện đa khoa tỉnh B. Tôi chỉ làm việc ở B nhưng thời gian hầu hết là sống ở A, tôi muốn chuyển về khám ở bệnh viện tỉnh A thì có được không? (Chuong)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Trường hợp của bạn muốn chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu từ tỉnh B về tỉnh A thì bạn cần đề nghị cơ quan làm thủ tục đăng ký lại nơi khám chữa bệnh ban đầu hoặc bạn mang thẻ đến cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh B để đổi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về tỉnh A.
- Việc mua bảo hiểm hiện nay có nhiều khó khăn như lúc đầu mua bảo hiểm ở bệnh viện này nhưng năm sau thì không mua được bảo hiểm ở bệnh viện đó nữa. Tôi hỏi thì cán bộ phường trả lời bệnh viện đó hết đợt bán rồi. Tôi hỏi chừng nào mới bán lại bệnh viện đó thì nói không biết. Tôi xin giải đáp vấn đề này dùm. (Nguyễn Thị Kim Ngân, 24 tuổi, cần thơ)
- Ông Phan Văn Toàn:
Việc bán bảo hiểm y tế không theo bệnh viện mà khi mua bảo hiểm y tế ở xã, phường thì người bệnh có quyền lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế quận/huyện trở xuống và tương đương mà không phân biệt địa giới hành chính.
- Về vấn đề giảm trừ BHYT hộ gia đình.
1. Gia đinh có 4 người trong một hộ khẩu. 3 người đã có thẻ BHYT bên bắt buộc. Một người còn lại mua hộ gia đình có được giảm không?
2. Gia đình có 4 người, 2 người đã tham gia vào tháng 1/2015. Bây giờ 2 người còn lại tham gia 4/2015. Vậy 2 người sau này được giảm trừ như thế nào? (Nguyễn Thị Mỹ Chi, 33 tuổi, Biên Hòa - Đồng Nai)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
1. Nếu gia đình bạn có 4 người trong một hộ khẩu, 3 người đã có thẻ BHYT bắt buộc, một người còn lại mua theo hộ gia đình thì không được giảm, vì theo quy định, những người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì được giảm mức đóng từ người thứ hai trở đi.
2. Với trường hợp gia đình có 4 người, 2 người đã tham gia BHYT vào tháng 1/2015, và 2 người còn lại tham gia 4/2015 thì 2 người sau này sẽ được giảm trừ theo quy định: người thứ 3 sẽ chỉ còn phải đóng 60%, người thứ 4 chỉ còn đóng 50% mức đóng của người thứ nhất. Muốn được hưởng mức giảm trừ này, bạn phải kê khai danh sách của cả hộ gia đình cho UBND xã theo mẫu của cơ quan BHXH.
- Tôi xin hỏi mua bảo hiểm y tế là phải mua hết cả gia đình hay sao? Ở địa phương tôi không mua được riêng lẻ từng người. (Võ Hùng Tự, 29 tuổi, Bình Thuận)
- Ông Phan Văn Toàn:
Luật Bảo hiểm y tế quy định tất cả thành viên trong hộ gia đình phải mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Quy định này nhằm bảo đảm tính chia sẻ cộng đồng, đặc biệt là sự chia sẻ trong hộ gia đình và được giảm dần mức đóng cho các thành viên tiếp theo. Cụ thể, từ thành viên thứ hai trở đi giảm lần lượt là 30, 40, 50% và từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất.
Riêng năm 2015, người đã mua thẻ bảo hiểm y tế từ năm 2014 và có hiệu lực đến năm 2015 thì được tiếp tục mua thẻ bảo hiểm y tế theo hình thức cá nhân. Những thành viên khác thì phải mua theo hộ gia đình.
- Mẹ tôi có BHYT theo diện người có công với cách mạng, miễn phí 100% tiền khám chữa bệnh nếu khám đúng tuyến. Trong trường hợp mẹ tôi xin được giấy chuyển viện từ tuyến dưới để ra khám chữa tại tuyến Trung ương (Bạch Mai), nếu có giấy hẹn tái khám của bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương thì lần tái khám mẹ tôi có phải xin giấy chuyển viện nữa không? (Vũ Thị Thu Hoài, 31 tuổi, Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, HN)
- Ông Phan Văn Toàn:
Nếu có giấy hẹn tái khám của bệnh viện - nơi tiếp nhận bệnh nhân thì bạn không cần xin chuyển viện cho mẹ bạn khi đi tái khám và được xác định là đúng tuyến.
- Bản thân tôi tham gia BHYT tự nguyện, năm 2015 thủ tục mua BHYT tự nguyện khá phức tạp, cụ thể: phải có sổ hộ khẩu pho to công chứng, bản pho to thẻ BHYT của các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu. Tôi thiết nghĩ đây cũng là loại hình dịch vụ, thế thì tôi đóng đủ tiền thì được tham gia BHYT chứ sao lại phải đèo bòng các giấy tờ khác... (Nguyễn Thị Loan, 49 tuổi, thành phố Quảng Ngãi)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, từ 1/1/2015, mọi công dân bắt buộc phải tham gia BHYT. Đối với trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình, người đại diện hoặc chủ hộ gia đình phải lập danh sách các thành viên trong gia đình theo mẫu và nộp cho đại lý bảo hiểm y tế có xác nhận của UBND xã, phường và người đại diện cho hộ gia đình phải chịu trách nhiệm về độ trung thực, tính chính xác của danh sách. Cơ quan BHXH căn cứ trên danh sách để thu tiền và cấp thẻ BHYT cho người tham gia, không phải phô tô các giấy tờ như bạn đề cập.
- Tôi xin hỏi sao không xóa bỏ hình thức bắt buộc, thay vào đó là tự nguyện như cũ nhưng khuyến khích nếu mua theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ như bắt buộc. Làm như vậy người dân đỡ phiền toái và họ sẽ cân nhắc việc mua 1, 2, 3 hay 4 suất tùy thuộc khả năng tài chính của họ. Tôi xin cảm ơn. (Ngô đình Việt, 51 tuổi)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Việc tham gia BHYT bắt buộc hay tự nguyện đã được Quốc hội bàn bạc rất kỹ trong những kỳ họp năm 2014. Vì tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của chính sách BHYT nên Quốc hội đã quyết định bắt buộc mọi người dân phải tham gia BHYT là để đảm bảo tài chính cho mọi người dân khi không may bị ốm đau phải vào viện điều trị thì được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất, cũng giống như Luật quy định bắt buộc mọi người dân khi tham gia giao thông bằng moto, xe máy phải đội mũ bảo hiểm là để đảm bảo tính mạng cho người dân.
Ông Vũ Xuân Bằng theo dõi các câu hỏi trực tuyến từ độc giả VnExpress.net. Ảnh: Quý Đoàn. |
- Em có hộ khẩu ở Tuyên Quang, lấy vợ ở Hà Nội, chưa chuyển khẩu về Hà Nội. Vậy em có mua được bảo hiểm y tế ở Hà Nội không? (Luan Ngo)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Bạn có thể mua được bảo hiểm y tế ở Hà Nội. Bạn mang giấy tạm trú đến UBND xã, phường nơi đang cư trú tại Hà Nội để được lập danh sách mua BHYT.
- Tôi đang điều trị bệnh ở viện không phải nơi tôi đăng ký BH nhưng ngang cấp với nơi tôi đăng ký đó. Vậy tôi muốn đươc BH thanh toán đúng tuyến thì cần làm thủ tục gì? Và tôi xin hỏi thêm: Ngang tuyến có cần xin giấy chuyển viện không? (Nguyễn Thị Tâm, 32 tuổi)
- Ông Phan Văn Toàn:
Vì bạn đang điều trị tại bệnh viện không phải nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nên bạn được bảo hiểm y tế thanh toán theo mức khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Trường hợp cấp cứu, đi công tác, học tập, tạm trú, lao động lưu động thì được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tương đương với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và được xác định là đúng tuyến, với điều kiện bạn phải có giấy tờ chứng minh đang đi công tác, học tập, tạm trú, lao động lưu động.
Từ 1/1/2016, khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế/phường, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện khi đi khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đều được coi là đúng tuyến, không phải xin giấy chuyển viện.
- Tôi có vài thắc mắc mong được trả lời:
1. Mẹ tôi là thanh niên xung phong được nhà nước mua BHYT nhưng ở ngoài Bắc. Nay mẹ tôi chuyển vào Bình Dương sống chung với chúng tôi thì làm thế nào để được hưởng BHYT?
2. BHYT của con tôi đăng ký ở trạm y tế phường, giờ tôi đưa con tôi đi khám ở tuyến huyện có được không?
Xin cảm ơn! (Trịnh Văn Nam, 29 tuổi, Bình dương)
- Ông Phan Văn Toàn:
Bạn có thể đến cơ quan Bảo hiểm xã hội - nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế cho mẹ của bạn để xin chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bình Dương.
Năm 2015, để được hưởng quyền lợi thì bạn phải xin giấy chuyển viện cho con. Từ 1/1/2016 thì không cần phải xin giấy chuyển viện.
- Mẹ tôi 64 tuổi bị mất chứng minh thư nhân dân chưa làm lại được. Khi đi khám tại bệnh viện C Thái Nguyên xuất trình thẻ hội viên người cao tuổi bị nhân viên BHYT từ chối vì bảo là luật quy định chỉ chấp nhận chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, mặt sau thẻ BHYT thì chỉ cần giấy tờ tùy thân có ảnh. Tôi đã thắc mắc nhưng nhân viên BHYT vẫn không đồng ý. Tôi hỏi vậy có đúng hay không? Có gây phiền toái đến người tham gia BHYT không? (Nguyễn Thị Liệu, 40 tuổi)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Theo quy định thì người đi khám chữa bệnh có BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, ngoài việc xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng thì phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh. Trường hợp được chuyển viện thì phải xuất trình giấy chuyển viện của cơ sở khám chữa bệnh tuyến trước thì mới được hưởng BHYT theo quy định.
- Tôi muốn hỏi: Năm trước, tôi mua bảo hiểm ở Bệnh viện ĐHYD Cần Thơ để khám chữa bệnh thấy bệnh có giảm. Tới ngày hết hạn, tôi lại ra phường mua cái mới thì cán bộ phường nói không bán bảo hiểm ở bệnh viện đó nữa kêu tôi mua ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Tôi hỏi khi nào mới bán lại thì cán bộ nói không biết. Việc mua bảo hiểm mỗi năm mỗi bệnh viện khác như vậy thì người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh. Mong các ông giải đáp vấn đề này giùm tôi. Có cách nào để mua bảo hiểm đúng bệnh viện mà tôi mong muốn hay không? (Hồng Tươi, 30 tuổi, cần thơ)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Người dân tham gia BHYT có quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trở xuống gần nơi cư trú. Trường hợp khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên thì phải do giám đốc sở Y tế quy định. Vì vậy trường hợp của bạn cần liên hệ trực tiếp với bảo hiểm xã hội nơi gần nhất hoặc sở y tế để được giải quyết cụ thể.
- Người lao động không đồng ý trích lương để đóng BHXH, BHYT, BHTN (không tham gia bảo hiểm). Khi đó, công ty làm bản cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động được không? Mặc dù công ty đã giải thích rõ lợi ích của việc đóng bảo hiểm nhưng người lao động vẫn không chấp nhận. (Nguyễn Thị Phương Thủy, 32 tuổi, Nguyễn Kiệm, P. 4, Quận Phú Nhuận, TP HCM)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Theo quy định của Luật BHXH và BHYT, người lao động phải có trách nhiệm tham gia BHXH và BHYT và người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHYT hằng tháng. Vì vậy, nếu công ty không đóng BHXH, BHYT cho người lao động với bất kỳ lý do gì là sai quy định.
- Tháng 12 năm ngoái, gia đình tôi có bà nội năm nay 80 tuổi (60 năm tuổi Đảng) bị tai biến đi cấp cứu. Cấp cứu xong qua cơn nguy kịch chúng tôi làm thủ tục thì bác sĩ có hỏi giấy giới thiệu tuyến dưới (ở đây là tuyến xã/phường) thì mới làm được trợ cấp bảo hiểm. Tôi có xuống xin giấy giới thiệu nhưng vì cấp cứu lúc 19h ngày trước đó nên ở xã không chấp nhận ghi ngày giờ cấp cứu mà ghi ngày giờ hiện tại tôi xuống xin giấy. Tôi cầm giấy giới thiệu qua bệnh viện thì bác sĩ nói giấy tờ không khớp không làm được bảo hiểm cho bà tôi. Thiết nghĩ lúc đi cấp cứu thì lúc đó còn tỉnh táo để xin giấy giới thiệu không?
Vậy tôi mong bỏ cái thủ tục đó đi, cứu người thì không kể ở đâu. Giả sử bà tôi lúc đó đang đi thăm con cháu ở xa mà bị tai biến thì sẽ không được hưởng quyền lợi à? Tôi thấy cái giấy giới thiệu đó chẳng phản ánh được vấn đề gì. Mạng người là quan trọng, kinh tế cũng quan trọng vì mức thu nhập bình quân của người Việt Nam đang còn rất thấp. Mua bảo hiểm mà không được hưởng quyền lợi chỉ vì cái giấy giới thiệu có đáng không? Mong hai vị trả lời thắc mắc giúp tôi. Tôi xin cảm ơn. (Nguyễn Cường, 25 tuổi)
- Ông Phan Văn Toàn:
Theo quy định, trường hợp cấp cứu đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào người bệnh cũng được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến và được hưởng toàn bộ quyền lợi theo quy định khi trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh trước khi ra viện, mà không cần xin giấy chuyển viện.
- Vợ tôi đi làm có đóng bảo hiểm của công ty, 2 con đi học có mua bảo hiểm y tế tại trường học. Tôi kinh doanh tự do. Bây giờ mua BHYT, bắt mua cả gia đình thì tôi phải mua như thế nào? Xin cảm ơn. (Trần Triệu Hùng, 40 tuổi, Hà Nội)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Trường hợp của bạn, bạn chỉ cần lập danh sách theo mẫu kê khai và gửi cho đại lý BHYT có xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú là được tham gia BHYT theo hộ gia đình.
- Bố tôi là cán bộ hưu trí với mức lương hưu chỉ khoảng 3 triệu đồng một tháng, có thẻ BHYT được cấp tại Hà Nội. Nay bố vào TP HCM sống cùng các con, trước đây khi khám bệnh vẫn được BHYT trả một phần. Nay bệnh viện trả lời theo quy định mới BHYT không thanh toán cho việc khám chữa bệnh trái tuyến, điều đó có đúng không? Với mức lương hưu như vậy thì có khi không đủ trả cho một lần khám để tìm ra bệnh, bởi các chi phí xét nghiệm chụp chiếu là rất cao. Người có thẻ BHYT trong trương hợp này cũng như không có, người bệnh có khi chết vì hết tiền trước khi được nhập viện để BHYT chi trả. (Nguyen Lan Hoa, Hà Nội)
- Ông Phan Văn Toàn:
Luật bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 có quy định trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, quỹ bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán cho trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Trường hợp bố của bạn được cấp thẻ bảo hiểm y tế tại Hà Nội, để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh tại TP HCM bạn cần đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào TP HCM.
- Tôi muốn hỏi vấn đề như sau:
Tôi có tham gia BHYT, nơi khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện đa khoa huyện. Vậy khi sinh con tôi muốn sinh ở BV đa khoa tỉnh hoặc BV phụ sản ở tỉnh khác thì có được bảo hiểm thanh toán không? Nếu có thì mức thanh toán như thế nào? (xét cả 2 trường hợp có hoặc không có giấy chuyển viện). (Lê Lan, 30 tuổi, Quảng Ngãi)
- Ông Phan Văn Toàn:
Trường hợp đến bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện phụ sản đẻ theo dõi và chăm sóc thai sản thì cần phải có giấy chuyển viện. Trường hợp chuyển dạ thì không cần xin giấy chuyển viện mà có thể vào bất kỳ bệnh viện nào và được xác định là đúng tuyến.
- Người bệnh đi khám trái tuyến sẽ không được bảo hiểm chi trả nhưng mức hưởng khi điều trị nội trú lại tăng lên. Khi điều trị nội trú vượt tuyến, nếu là tuyến Trung ương, người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm chi trả 40% chi phí, tăng 10% so với quy định cũ. Nếu theo quy định như vậy, những người bệnh nặng nguy hiểm chuyển vào những bệnh viện tuyến dưới không đủ cơ sở vật chất chữa trị mà lại không chịu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên chữa trị, như vậy có phải là quá thiệt thòi cho người bệnh không? Mua bảo hiểm lại không được chữa trị kịp thời, mà nếu muốn chữa trị kịp thời lại phải tốn tiền vì bảo hiểm không chi trả. Vậy người dân tại sao lại phải mua bảo hiểm y tế? (Cong)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh được khám chữa bệnh ban đầu tại nơi đăng ký, khi tình trạng bệnh vượt quá khả năng của cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì cơ sở đó có trách nhiệm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, kể cả chuyển lên tuyến cao hơn nếu tuyến trên liền kề không đủ khả năng điều trị. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đủ khả năng khám, điều trị mà vẫn giữ bệnh nhân lại là sai quy định của Bộ Y tế.
Tham gia BHYT thì khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, bạn được quỹ BHYT chi trả đầy đủ chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Trường hợp bạn không muốn điều trị tại tuyến đăng ký ban đầu hoặc tuyến dưới, vượt tuyến lên tuyến trên, bạn vẫn được quỹ bảo hiểm chi trả tới 60% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và 40% chi phí điều trị nội trú tuyến trung ương.
- Năm 2015, luật bảo hiểm quy định không chi trả cho bảo hiểm y tế vượt tuyến nên từ đầu năm tới giờ các con của tôi dưới 6 tuổi đã đi khám bệnh vượt tuyến không được BHYT chi trả vì thực tế là không thể xin giấy chuyển viện. Bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không có chức năng hoặc chuyên môn kém luôn giữ bệnh nhân. Các cháu còn nhỏ mỗi lần đi khám bệnh thì không cần biết bệnh gì chỉ lo làm các xét nghiệm, chụp chiếu... nhằm tính tiền BHYT. Không có tác dụng gì với công tác chữa trị. Xin hỏi thế không vượt tuyến thì để lại ủ bệnh? Và quyền lợi các cháu được hưởng lại phục vụ lợi ích số nhỏ? Tôi rất bức xúc! Đề nghị Bộ xem xét và sửa đổi lại luật. (Dang Thanh, TP HCM)
- Ông Phan Văn Toàn:
Theo quy định trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, cơ sở y tế phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp để điều trị.
Trường hợp bạn hỏi là cá biệt cần phải có tên cụ thể của cơ sở y tế mà bạn phản ánh mới có thể giải quyết được.
- Tôi tham gia BHYT hơn 5 năm, đến tháng 8/2012 thì dừng lại (dừng cả BHXH và BHTN). Hiện tại, tôi muốn tiếp tục mua BHYT có được không, nếu được thì thủ tục như thế nào? Cả gia đình tôi đều có BHYT rồi chỉ còn một mình tôi hiện chưa có. Cảm ơn ông! (Pham Van Manh, ha noi)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Trường hợp của bạn, để tiếp tục tham gia BHYT, bạn chỉ cần đến đại lý hoặc UBND xã kê khai lập danh sách để được tham gia BHYT.
- Xin chào quý vị,
Tôi bị mất sổ bảo hiểm xã hội cách đây 3 năm. Hiện tại, tôi đã đi làm ở công ty mới được gần 2 năm, hàng tháng công ty vẫn đóng bảo hiểm cho tôi bình thường vào sổ bị mất. Vậy tôi xin hỏi nếu tôi nghỉ việc ở công ty hiện tại có được chốt sổ bảo hiểm không? Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm thế nào? Hiện tại tôi đang làm việc ở quận 1, TP HCM.
Tôi cảm ơn. (Nguyen Van Tai, 29 tuổi)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Trường hợp của bạn, quá trình tham gia BHXH đã được cơ quan BHXH TPHCM quản lý trên cơ sở dữ liệu chung của thành phố. Vì vậy, khi có thay đổi về chế độ hoặc nghỉ việc, cơ quan chủ quản phải có thông báo cho cơ quan BHXH để điều chỉnh trên dữ liệu quản lý. Để thuận lợi theo dõi trong quá trình đóng BHXH, bạn nên đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ cho bạn.
- Tôi 76 tuổi, nhà tôi 73 tuổi, chúng tôi bị bệnh tăng huyết áp và thiếu máu cơ tim, đã đi khám và điều trị tại BV tỉnh Bạc Liêu đến nay là năm thứ tư. Bác sĩ tại BV Bạc Liêu khám và cho toa 3 loại thuốc chúng tôi uống thấy bệnh tình ổn. Nay chuyển qua khám tại TTYT TP Bạc Liêu, tôi có đem sổ khám bệnh cũ theo và yêu cầu bác sĩ cho chúng tôi thuốc cũ vì chúng tôi uống thấy kết quả, nhưng BS khám không cho một trong 3 loại thuốc trên. Xin hỏi BS này làm việc như thế có đúng không? Chúng tôi sẽ phải gặp ai để yêu cầu việc này. Xin cảm ơn. (Phan Văn Dự, 76 tuổi, Võ Thị Sáu TP Bạc Liêu)
- Ông Phan Văn Toàn:
Việc kê đơn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và kinh nghiệm của thầy thuốc. Trường hợp khi thay đổi thuốc điều trị mà không có kết quả thì bác sĩ có thể điều chỉnh.
- Bố mẹ tôi có hộ khẩu tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), khám chữa bệnh và lĩnh lương hưu tại BHXH Cầu Giấy. Nay, tôi chuyển bố mẹ của mình vào quận Tân Bình (TP HCM) sinh sống, tôi cần phải làm những gì để chuyển BHYT và BHXH cho bố mẹ tôi vào TP HCM. Hơn nữa, thẻ bảo hiểm y tế của bố tôi bị sai năm sinh, tôi muốn hỏi điều chỉnh lại năm sinh trên thẻ bảo hiểm y tế thì nên làm trước lúc chuyển vào TP HCM? Hay sau khi chuyển vào quận Tân Bình, TP HCM xong mới tiến hành làm điều chỉnh lại năm sinh?
(Nguyễn Hùng Thái, TP PHCM)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Bạn cần đến cơ quan BHXH quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đề nghị làm thủ tục chuyển BHXH và BHYT về nơi cư trú mới. Cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm chuyển cho bạn theo quy định. Về việc điều chỉnh lại năm sinh trên thẻ BHYT, trường hợp sai theo sổ BHXH thì đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh, nếu sai theo chứng minh nhân dân thì cơ quan bảo hiểm không có thẩm quyền giải quyết.
- Tại sao trẻ con dưới 6 tuổi đi khám ở tuyến tỉnh phải có giấy chuyển viện ở tuyến huyện mới được hưởng bảo hiểm, gia đình tôi làm việc ở thành phố, làm sao đưa con về huyện xin giấy chuyển viện được? (Thai Quy, 33 tuổi, TP Vinh - NA)
- Ông Vũ Xuân Bằng:
Trường hợp của bạn, bạn nên chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho cháu về các cơ sở y tế ở thành phố gần nơi cư trú để thuận tiện cho việc khám, điều trị cho cháu.
- Con tôi bị bệnh động kinh từ nhỏ đến nay đã 16 tuổi (hết tuổi khám BV Nhi Đồng), xin hỏi:
- Các năm khác đối với bệnh mãn tính động kinh được xin giấy chuyển viện dùng cho một năm. Nay giấy chuyển viện chỉ sử dụng một lần, gây khó khăn cho tôi và con tôi hàng tháng phải nghỉ học đi xin giấy chyển viện. Tôi đề nghị có chính sách điều chỉnh "Giấy chuyển viện sử dụng một năm".
- Bệnh viện tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chỉ cấp thuốc BHYT trong hạn mức ít hơn 200.000 đồng một lần khám. Bởi vậy, tôi phải bỏ tiền túi mua thêm thuốc ngoài trong toa thuốc bác sĩ, trong khi loại thuốc mua thêm đó cũng có trong danh mục thuốc BHYT, quầy thuốc BHYT bệnh viện cũng có loại thuốc đó. (Hoàng Thi Thanh Hai, 45 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu)
Tôi thắc mắc tại sao trước đây con tôi khám điều trị ở BV Nhi đồng 2 TP HCM, toa thuốc gần 2 triệu đồng BV vẫn thanh toán BHYT đủ 100% toa bác sĩ.
Tình hình hiện nay tôi phải khám 2 lần một tháng cho con tôi để nhận một phần thuốc BHYT (200.000 đồng), và vẫn phải mua ngoài phần còn lại. Rất khó khăn trong việc xin giấy chuyển viện và chi phí mua thuốc.
Trân trọng cảm ơn!
- Ông Phan Văn Toàn:
Bộ Y tế sẽ xem xét bổ sung bệnh động kinh được sử dụng giấy chuyển viện một lần sử dụng cho một năm.
Luật Bảo hiểm y tế không có quy định về giới hạn số tiền đơn thuốc cho một lần khám. Việc Bệnh viện tâm thần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm như trên là chưa đúng với quy định. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Sở Y tế, Bảo hiểm tỉnh xác minh và giải quyết chế độ (nếu có) cho người bệnh.
- Tôi có một số thắc mắc về BHYT mong được giải đáp cụ thể như sau:
1. Gia đình tôi có 4 người, ba mẹ tôi đã nghỉ hưu. Hộ khẩu ba tôi ở quận 6 nên đã mua BHYT của quận 6. Mẹ và 2 chị em tôi hộ khẩu ở quận Bình Tân, chị em tôi đi làm có đóng BHYT của công ty, giờ chỉ còn mẹ tôi chưa tham gia BHYT.
Vậy nếu mua BHYT theo gia đình thì tôi phải mua như thế nào? Ba tôi có thể mua BHYT ở Quận Bình Tân được không?
2/. Tôi có BHYT đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện quận 6. Tuy nhiên:
- Khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, quận 5, TP HCM, thì nơi nhận bệnh lại từ chối tiếp nhận BHYT trái tuyến. Mặc dù trước đó, tôi đã sử dụng BHYT trái tuyến tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
- Khi đến khám bệnh nhiễm trùng tiểu tại Bệnh viện Bình Dân, TP HCM, đa phần bác sĩ đều đề nghị tôi có thể mua thuốc ngoài danh mục BHYT được không, vì thuốc trong danh mục BHYT không tốt bằng.
Vậy cho tôi hỏi theo quy định mới thì có thể khám chữa bệnh sử dụng BHYT trái tuyến hay không? Và danh mục thuốc BHYT có đầy đủ để phục vụ người dân tham gia BHYT không?
Xin cảm ơn. (Hiền, 28 tuổi, TP.HCM)
- Ông Phan Văn Toàn:
Ba của bạn là cán bộ hưu, do bảo hiểm xã hội thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế. Để được nhận thẻ bảo hiểm y tế quận Bình Tân, bạn phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố làm thủ tục để được cấp thẻ bảo hiểm y tế về quận Bình Tân.
Mẹ của bạn cũng là cán bộ hưu trí, thuộc diện Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm nên không cần phải mua theo hộ gia đình.
Theo quy định của luật Bảo hiểm y tế sửa đổi từ ngày 1/1/2015, người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình thì được quỹ bảo hiểm thanh toán 40% chi phí khám chữa bệnh nội trú, không thanh toán chi phí khám ngoại trú.
Danh mục thuốc bảo hiểm y tế có hơn 1.000 loại, ngoài ra có còn các loại thuốc phối hợp cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị. Trường hợp bác sĩ đề nghị mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế vì cho rằng thuốc trong danh mục không tốt bằng là không có căn cứ. Thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, vì vậy Bộ Y tế chưa có đủ cơ sở để trả lời cụ thể.
Vì thời gian có hạn, chúng tôi xin tạm dừng trả lời câu hỏi bạn đọc VnExpress tại đây. Xin chào và hy vọng độc giả đã phần nào được giải đáp những thắc mắc về thủ tục bảo hiểm y tế hiện nay.
VnExpress