Với James Bond, sự mưu trí và chất điệp viên được che đậy hoàn hảo bởi vẻ hào hoa, thanh lịch bề ngoài. Trong tiểu thuyết Goldfinger xuất bản năm 1959, tác giả Ian Fleming đặt Bond bên cạnh chiếc Aston Martin DB Mark III, một mẫu xe thể thao với những đường cong quyến rũ, động cơ 6 xi-lanh nổi tiếng thời bấy giờ. Chiếc xe như thể một hóa thân khác của Bond vì sự tương đồng của cả hai.
Trước khi khởi quay phần phim Goldfinger (1964), các nhà sản xuất gửi đến Aston Martin lời đề nghị sản xuất một chiếc xe dành riêng cho bộ phim thuộc series Điệp viên 007. David Brown, ông chủ hãng xe Anh quốc khi đó thẳng thừng từ chối vì cho rằng, sự sắp đặt của đoàn phim dành cho chiếc Aston Martin sặc mùi thương mại. Ông coi việc một chiếc xe thể thao của hãng chỉ làm nền cho bộ phim, khán giả nhanh chóng quên đi khi ra khỏi rạp là một điều không thể chấp nhận.
Đích thân nhà thiết kế sản xuất phim huyền thoại Ken Adam phải thuyết phục ông chủ Aston Martin, rằng chiếc xe sẽ không chỉ đặt hờ ở hậu cảnh. Nó như một nhân vật có cá tính riêng và càng không thể thiếu trong các cảnh quay rượt đuổi, hành động.
Sự kiên trì của Ken Adam được đền đáp khi nhận được cái gật đầu của David Brown. Chiếc Aston Martin DB5 bọc thép, trang bị súng máy, có thể phun khói mù, dầu làm trơn đường, phóng ghế ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp trong phần phim Goldfinger 1964 trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh thế giới. Aston Martin từ đó bỗng trở nên quen thuộc tại Mỹ, ai cũng muốn có một chiếc xe thương hiệu Anh quốc. Đôi cánh biểu tượng logo của hãng bắt đầu bay cao.
Số phận long đong
Sau Thế chiến thứ nhất, Robert Bamford rút lui, để lại một mình người bạn Lionel Martin chèo lái con thuyền Aston Martin mà cả hai tạo dựng vào năm 1913. Công ty nhanh chóng rơi vào phá sản nhưng được cứu bởi Louis Zborowski, một phi công, doanh nhân gốc Ba Lan. Mẫu xe với cái tên trìu mến thỏ con "Bunny" của hãng trình làng 1922, lập 10 kỷ lục tốc độ và độ bền tại đường đua Brooklands, Anh. Trong đó có một kỷ lục thế giới cho thành tích chạy suốt trong hơn 16 giờ với tốc độ trung bình hơn 124 km/h.
Khi danh tiếng bắt đầu được chú ý, Zborowski bất ngờ qua đời trên một chiếc Mercedes khi tham gia giải đua Italian Grand Prix 1924. Thương hiệu xe sang nước Anh một lần nữa rơi vào phá sản. Một năm sau, Aston Martin về tay gia tộc Benson.
Lionel Martin bị sa thải khỏi công ty sau một vụ lùm xùm nội bộ liên quan đến tư pháp. Hãng xe Anh thêm một lần phá sản vào 1932. Nhờ can thiệp của nhà từ thiện, chủ tàu Sir Arthur Sutherland, Aston Martin tiếp tục tồn tại.
Augusto César Bertelli, phi công, kỹ sư người Italy và các cộng sự người Anh sau đó được mời về dẫn dắt Aston Martin, chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật. Năm 1939, nguyên mẫu chiếc Atom trình làng. Đây là chiếc xe đầu tiên của Aston Martin trang bị hệ thống treo độc lập phía trước và hộp số Cotal Electric. Chiếc xe mà về sau, trong cuốn Aston Martin: The Legend, tác giả Michael Bowler nhận xét: "Với chiếc Atom trong những năm chiến tranh, người ta bị thuyết phục rằng họ đang cầm lái một mẫu xe đến từ tương lai".
Nhưng rồi kế hoạch sản xuất Atom bị đình lại bởi chiến tranh thế giới lần hai nổ ra năm 1939. Khó khăn về tài chính những năm sau đó khiến hãng một lần nữa đổi chủ. Doanh nhân người Anh David Brown mua lại Aston Martin năm 1947. Dòng DB danh tiếng, viết tắt cho tên ông, bắt đầu được sử dụng và tạo nên giai đoạn hoàng kim bậc nhất của Aston Martin, cả trên phim ảnh lẫn đường đua. Nhưng hành trình khổ tận cam lai của hãng vẫn chưa dừng lại.
Aston Martin có thêm hai lần đổi chủ khác vào tay các nhà đầu tư Mỹ, Hy Lạp lần lượt vào các năm 1972 và giữa thập niên 1980. Hãng sau đó bị Ford thâu tóm năm 1993, tiếp nối một giai đoạn với hàng loạt mẫu xe biểu tượng cho vẻ đẹp thanh lịch kiểu Anh như DBS, Vantage, DB9 Volante. Kể từ 2007, Aston Martin trở thành một công ty độc lập với quyền sở hữu của một nhóm cổ đông các công ty Anh, Mỹ, Kuwait.
Biểu tượng thanh lịch kiểu Anh
"Một chiếc xe chất lượng cả về thiết kế và khả năng vận hành là gì", Lionel Martin, đồng sáng lập thương hiệu Aston Martin cùng Robert Bamford, từng nói. "Nó là sự tổng hòa của các yếu tố tốc độ, thiết kế, phát triển, chế tạo được xây dựng riêng lẻ mà người sở hữu cảm nhận được".
Triết lý của Lionel Martin gần như được hãng xe sang Anh quốc giữ gìn xuyên suốt qua thời gian kể từ thời điểm thành lập 1913. Nó là con dao hai lưỡi, đặt hãng vào vị thế của một trong những thương hiệu cá tính riêng lẻ bậc nhất nhưng những yêu cầu về lợi nhuận, tiêu chuẩn khí thải khiến "đôi cánh" Aston Martin có lúc tưởng như ngừng nghỉ.
Ngoài McLaren, Aston Martin là hãng xe hiếm hoi không bị thâu tóm bởi các tập đoàn lớn. Rolls-Royce thuộc sở hữu của BMW AG (Đức), Bentley dưới trướng Volkswagen AG (Đức) hay Jaguar-Land Rover sống nhờ Tata Group (Ấn Độ). Hãng xe trụ sở ở Gaydon không theo đuổi thiên hướng thể thao cực đoan như McLaren hoặc đậm chất quý tộc như bộ ba thương hiệu còn lại, Aston Martin dung hòa cả hai. Hãng quan niệm một mẫu xe tốt phải vừa đẹp vừa thể thao. Triết lý ấy tạo cho thương hiệu này sức hút vô hình ở cái nôi của cảm hứng chế tạo ôtô thế giới, Anh quốc và tồn tại qua nhiều biến động của thời cuộc.
Trên nguyên mẫu Atom ra đời 1939, các tấm nhôm bọc tròn hoặc bắt vít vào thân xe, tạo nên những đường cong vuốt ngược mới lạ đặt trong xu hướng thiết kế chung thời bấy giờ. Tuy nhiên chúng không chỉ để làm đẹp, mà tạo ra hiệu ra khí động học cho chiếc xe. Những chiếc xe Aston Martin về sau tuân theo triết lý, mỗi thiết kế đều phục vụ một mục đích riêng biệt chứ không phải để trang trí đơn thuần.
Yêu cầu khắt khe đó khiến các nhà thiết kế Aston Martin luôn giữ "đôi chân trên mặt đất". Chiếc Vantage ra mắt tháng 11/2017 với thiết kế lấy cảm hứng từ thú săn mồi trên thảo nguyên. Nhưng chiếc xe, dù thể thao đến mấy với động cơ V8 công suất 510 mã lực do Mercedes-AMG cung cấp, trên thân là những đường cong uyển chuyển để chiếc xe vẫn lịch thiệp khi lăn bánh trong phố thị.
Kỹ thuật và nghệ thuật được tiết chế vừa đủ khi kết hợp cùng nhau là tinh thần của Lionel Martin. Những người kế nhiệm ông dường như cũng nghiện thứ tư duy ấy.
Khi áp lực doanh số, lợi nhuận, nhu cầu của giới nhà giàu mới nổi khiến các hãng xe sang quay cuồng trong cuộc đua SUV, chiếc DBX của Aston Martin ra đời như một lẽ tự nhiên. Nhưng thay vì ra mắt với những màn off-road hoành tráng, tiếng nhạc chói tai, mẫu SUV hạng sang đầu tiên của hãng xuất hiện nhẹ nhàng trong tiếng hát du dương của dàn đồng ca xứ Wales, nhân dịp khánh thành nhà máy mới ở St Athan.
Aston Martin DBX là một chiếc SUV thể thao điệu đà. Những đường cong đặc trưng từ những năm 1930 trên Atom, DB vẫn là thiết kế chủ đạo trên DBX. Một gã trai lực điền, sôi nổi? DBX không đại diện cho điều đó.
Laura Schwab, chủ tịch Aston Martin Mỹ, là phụ nữ đầu tiên trong ban lãnh đạo của hãng xe Anh suốt chiều dài 105 năm lịch sử. Bà từng lý giải về sự kết hợp của điệp viên 007 và Aston Martin: "Chiếc xe thực sự đã kết nối với nhân vật và toàn bộ câu chuyện. Bond và xe Aston, cả hai đều điềm đạm, từ tốn và không quá phô trương".
Trong phần phim "Tử địa Skyfall" ra mắt 2012, phân cảnh James Bond và sếp M xuất hiện trên chiếc Aston Martin DB5 huyền thoại từ một garage cũ kỹ để chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng, đã khiến nhiều khán giả xúc động. Sức bật Aston Martin có được hiện tại ẩn chứa rất nhiều cảm tình giới mộ điệu đã dành cho họ trong quá khứ.
Thành Nhạn