Những công trình lịch sử sau Đổi mới

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Lọc dầu Dung Quất, đường dây 500kV, cầu Mỹ Thuận, hầm Thủ Thiêm… là những biểu tượng cho sự chuyển mình của đất nước sau 30 năm.

Cầu Thăng Long

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), được xem là “công trình thế kỷ” của tình hữu nghị Việt — Xô. Cầu được khởi công xây dựng năm 1974, khánh thành vào tháng 5/1985, với tổng chiều dài 3.250 m.

Cầu Thăng Long có hai tầng: tầng dưới ở giữa là tuyến đường sắt, hai bên là đường xe thô sơ. Tầng trên là đường ôtô cho 4 làn xe, hai bên là đường cho người đi bộ. Ảnh: Mạnh Thắng

Thủy điện Hòa Bình

Được xây dựng trên sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành năm 1994 sau 15 năm xây dựng. Đây là công trình thủy điện lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Sơn La. Việc vận hành nhà máy đã đáp ứng nhu cầu điện miền Bắc, góp phần đắc lực trong việc cung cấp điện cho miền Nam và miền Trung. Ảnh: Tuấn Anh

Đường dây 500kV Bắc Nam

Đường dây 500kV Bắc - Nam là công trình truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam, kéo dài từ Hòa Bình đến TP HCM với tổng chiều dài 1.487 km. Công trình đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện ở miền Nam, cung cấp đủ điện cho miền Trung, liên kết hệ thống điện ba miền thành một khối thống nhất. Ảnh: Pecc2

Cầu Mỹ Thuận

Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang với Vĩnh Long. Được khởi công năm 1997, khánh thành năm 2000, cầu dây văng Mỹ Thuận đã xóa bỏ điểm tắc lớn nhất trên quốc lộ 1A, kết nối cả nước với vùng đất đai trù phú miền Tây. Ảnh: Tuấn Anh

Đường Hồ Chí Minh

Đường Hồ Chí Minh được khởi công tháng 4/2000, trải dài từ Cà Mau đến Cao Bằng. Công trình sẽ đi qua 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 3.180 km, dự kiến lập kỷ lục quốc lộ dài nhất Việt Nam khi nối thông vào năm 2020. Ảnh: Ngọc Thành.

Hầm Thủ Thiêm

Hầm Thủ Thiêm - công trình hầm vượt sông Sài Gòn đầu tiên của Việt Nam, có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á. Khởi không tháng 2/2005, công trình dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, có 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Tháng 11/2011, hầm Thủ Thiêm mở cửa cho người dân lưu thông sau hơn 3.000 ngày thi công. Ảnh: Tuấn Anh

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Xây dựng tại xã Bình Thuận và Bình Trị (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) năm 2005 và bắt đầu vận hành từ đầu năm 2009, Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên và lớn nhất đang hoạt động của Việt Nam hiện nay. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 810 ha gồm mặt đất, vùng biển và đang giữ nhiều kỷ lục về xây dựng tại Việt Nam.

Sau 6 năm với khoản đầu tư khoảng 3 tỷ USD (tính đến năm 2016), nhà máy đã xuất bán ra thị trường 43 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước. Doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước tổng cộng 133.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD), doanh thu 785.000 tỷ (35 tỷ USD).

Dù gặp nhiều vấn đề về hiệu quả kinh doanh, công nghệ, song theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Lọc dầu Dung Quất vẫn là hình mẫu cho ngành công nghiệp lọc — hóa dầu Việt Nam, là động lực phát triển kinh tế — xã hội của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung — Tây Nguyên nói chung. Ảnh: Đức Thanh

Ngọc Thành tổng hợp