Sáu tuần đã trôi qua kể từ chuyến bay đầu tiên Sân bay quốc tế Vân Đồn được Chính phủ chọn là nơi đón các chuyến bay về từ vùng dịch, cũng là sáu tuần nhiều cảm xúc nhất trong 20 năm công tác trong ngành hàng không của tôi.
Đó là sự cảm động chứng kiến niềm hạnh phúc của những người con xa quê may mắn đặt chân lên mảnh đất miền Đông Bắc tổ quốc, trút bỏ nỗi bất an những tháng ngày bên xứ bạn. Đó là niềm ấm áp được trở lại đất mẹ thiêng liêng, nơi chúng ta được đón chào và ôm ấp vào lòng với tất cả sự bình yên ấy, một người con đã từng xa quê đi học tập ở Đông Âu nhiều năm như tôi, hiểu hơn ai hết. Đó là sự tự hào và cảm phục chứng kiến những người đồng nghiệp nơi tuyến đầu lăn lộn bất kể gió mưa, đêm ngày và bệnh dịch hoàn thành nhiệm vụ. Đó là cảm giác may mắn của người đã chọn đúng con đường để vững tin cống hiến.
Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia vào một chiến dịch liên quan đến bệnh truyền nhiễm. Trước đây, khi làm việc tại Cảng vụ Hàng không miền Nam, tôi đã từng "kinh qua" dịch cúm A(H1N1), dịch MERS-CoV và cả đại dịch Ebola. Khi nhận nhiệm vụ đón chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán về nước, tôi không quá ngỡ ngàng. Nhưng công việc và trách nhiệm lần này, đối với tôi và toàn thể nhân sự của Sân bay quốc tế Vân Đồn, là áp lực rất lớn. Chưa từng có một quy trình hàng không nào để đón chuyến bay về từ vùng dịch Covid-19. Và chúng tôi chỉ có... hai ngày.
Hai ngày để thống nhất phương án phòng dịch, luồng tuyến khai thác, quy trình phối hợp... một cách chính xác với tất cả các đơn vị hoạt động tại sân bay cùng cơ quan chức năng của Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh, đưa quy trình đón khách từ trong nhà ra ngoài trời, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Hai ngày để triển khai công tác đào tạo, tập huấn đúng quy trình quy chuẩn. Hai ngày chuẩn bị mọi trang thiết bị, vật dụng và cả làm tinh thần cho anh em sân bay, khi ấy cũng như bao người khác, chỉ nghe từ "Vũ Hán" đã không khỏi lo lắng.
Một giờ sáng ngày 10/2, tôi lặng nhìn các "chiến sĩ" của mình trong trang phục bảo hộ trắng toát như trong những bộ phim khoa học giả tưởng. Các em cũng như tôi, không ngủ được từ ngày hôm trước. Tất cả đều nín thở chờ đợi, giữ nguyên tư thế sẵn sàng, ngay cả khi chuyến bay bị lùi xuống 5h sáng mới hạ cánh. Trong những cuộc trao đổi liên tục, khẩn trương cho chuyến bay lịch sử giữa không khí căng như dây đàn, một em chợt nói với tôi: "Em hồi hộp quá, cảm thấy như đang chờ đón người thân trở về anh ạ!". Tôi nhìn gương mặt căng thẳng, thoáng lo lắng nhưng bình tĩnh của các em sau lớp kính bảo hộ, cảm kích hơn bao giờ.
Hình ảnh của Thảo - nhân viên y tế sân bay - bỏ dở ổ bánh mì đang ăn vội ngay sau khi vừa hoàn thành đón đoàn để mặc đồ bảo hộ chạy tới hiện trường, khi hay tin có em bé ở chuyến bay mới cần chăm sóc, không chỉ để lại trong tôi nhiều cảm xúc đặc biệt, mà còn lan đến những hành khách ở sân bay, tiếp thêm niềm tin để họ trút bỏ những lo lắng trong hành trình sắp tới.
Các em có biết về nguy cơ nhiễm bệnh đối với người ở tuyến đầu không? Chắc chắn có. Các em có chạnh lòng trước những ánh mắt nghi ngại của cộng đồng khi biết các em làm việc ở sân bay Vân Đồn, đón người từ vùng dịch về không? Chắc chắn có. Các em có phải nỗ lực tinh thần gấp đôi người thường, khi phải vừa động viên chính mình, vừa động viên gia đình hay không? Chắc chắn có. Các em có thấm mệt vì phải trực chiến 24/7, sẵn sàng vào việc bất kể giờ giấc, ngày đêm do đặc thù những chuyến bay gấp gáp sẽ cập bến, thậm chí chỉ biết trước một giờ đồng hồ không? Chắc chắn có. Nhưng các em có sẵn sàng không? Chắc chắn có.
Hơn một năm về trước, khi nhận lời mời của Sun Group về làm việc tại Vân Đồn, tôi đứng trước những xung đột. Nhà nước hay tư nhân? Tôi đang có vị trí trong cơ quan nhà nước, đang sống gần gia đình. Nếu làm việc tại Sân bay quốc tế Vân Đồn, tôi phải sống xa gia đình. Tôi sẽ tham gia vào dự án sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, với nhiều thách thức và cả hoài nghi. "Nhà nước" là nơi đề cao trật tự và sự ổn định. "Tư nhân" là nơi đề cao sự mềm dẻo và tăng trưởng. Có rất nhiều bài toán phải giải cho riêng tôi, và cả những hoài nghi từ người ngoài: Tư nhân làm sao xây dựng và vận hành một sân bay quốc tế lớn? Làm sao mở cảng được khi toàn người mới? Đến bao giờ mới gỡ được vốn chứ đừng nói là lãi?...
Nhưng thời điểm nhận nhiệm vụ đón người từ vùng dịch trở về, trong tôi không còn sự phân định giữa "người tư nhân" hay "người nhà nước". Tôi nhận một nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình, và lúc đó tôi chỉ còn là "người Việt Nam". Những cán bộ, nhân viên của sân bay Vân Đồn hẳn cũng đã nghĩ như thế trong suốt sáu tuần qua.
Có người hỏi tôi, tại sao sân bay quốc tế Vân Đồn, một sân bay còn rất "trẻ", lại được Chính phủ lựa chọn và lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch. Khi ấy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là tập thể của mình. Cùng với cơ sở vật chất, phương tiện và quy trình, thì nhiệt huyết lẫn trách nhiệm và lòng yêu nước của các anh, chị, em tôi là sức mạnh của sân bay quốc tế Vân Đồn. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong ánh mắt, nụ cười "đồng đội" khi thấy đồng bào đặt chân lên đất mẹ.
Chiều nay, vừa nhận được tin nhắn của con gái không được gặp ba sau nhiều tháng xa cách: "Ba nhớ giữ gìn sức khỏe!", cũng là lúc đồng nghiệp gửi cho tôi hình chụp lời bình luận trên mạng dưới thông tin sân bay quốc tế Vân Đồn đón đồng bào về nước: "Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể chưa cất cánh về mặt kinh tế, nhưng đã khởi đầu bằng một nhiệm vụ quốc gia nặng nghĩa nặng tình!".
Khóe mắt tôi bỗng cay cay. Hình ảnh một thương cảng Vân Đồn sầm uất ngàn năm trước hiện lên cùng niềm tin. Tôi biết, sau những chuyến đón đồng bào về tổ quốc, sẽ là những chuyến đón đưa nhộn nhịp kết nối Việt Nam với khắp năm châu. Sau những ánh mắt mừng vui của các "chiến binh" áo trắng, áo xanh của tôi ngoài kia đón "người mình" an toàn về tổ quốc, sẽ là nụ cười hạnh phúc của các anh chị em, thấy quê hương mình phát triển. Và trên con đường chông gai khó kể, Vân Đồn sẽ cất cánh bằng niềm tin của tổ quốc Việt Nam.
Phạm Ngọc Sáu