Cuộc sống nhà tù nơi Bạc Hy Lai có thể bị giam
Cha nào con nấy. Trường hợp gia đình họ Bạc có như vậy hay không? Bạc Hy Lai từng là một ngôi sao sáng trên chính trường Trung Quốc. Bây giờ ông là một quan chức "ngã ngựa" đang chờ đợi bản án cho tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Bạc Hy Lai có thể sẽ sớm bắt đầu cuộc sống mới của mình ở nhà tù Tần Thành, giống như cha của ông, nguyên lão Bạc Nhất Ba, từng phải sống ở đây vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Nhà tù Tần Thành được xây dựng trên một ngọn đồi ở phía bắc Bắc Kinh vào năm 1958, ban đầu là nơi giam giữ những người chống đối nước Trung Hoa mới.
Ngày nay, Tần Thành được coi là nhà tù "sang trọng" bậc nhất Trung Quốc, là nơi giam giữ các tù nhân chính trị, những cựu quan chức cấp cao và có một số ưu ái hơn các phạm nhân thường.
Các phạm nhân của nhà tù hạng sang này có thể xem TV từ 14h-21h hàng ngày và có thể đi dạo trong khuôn viên nhà tù một mình, 6 lần một tuần. Thay vì phải mặc áo tù nhân, các cựu quan chức được mặc quần áo do gia đình gửi vào, một bài báo mới đây trên tờ nhật báo uy tín Beijing News tiết lộ.
Những tù nhân ở cấp của Bạc Hy Lai cũng được ăn những bữa ăn ngon hơn, tờ báo cho biết thêm. Không giống như các tù nhân bình thường, các "tù nhân cao cấp" được uống sữa mỗi sáng. Bữa trưa và tối có hai món Trung Quốc và một bát súp, thỉnh thoảng còn có đầu bếp từ khách sạn sang trọng trong Bắc Kinh đến nấu. Sau mỗi bữa, mỗi người được phát một quả táo.
Các thông tin về nhà tù Tần Thành thường là thông tin truyền miệng. Nhà chức trách Trung Quốc không muốn cung cấp những thông tin cụ thể về nơi giam giữ các tội phạm và những hình ảnh của Tần Thành là vô cùng hiếm.
Hiện chưa rõ là Bạc Hy Lai có được giam ở Tần Thành hay không. Một số nhà phân tích nói vụ án của ông Bạc là rất nhạy cảm về chính trị, nên có thể ông Bạc sẽ ở trong một nhà tù được xây riêng cho ông.
Tuy nhiên, hầu hết những người được BBC phỏng vấn tin rằng ông Bạc sẽ theo bước chân của các quan chức cấp cao khác và bị giam ở Tần Thành.
"Khả năng Bạc Hy Lai được đưa đến đâu đó mà không phải Tần Thành dường như bằng không", Mo Shaoping, một luật sư có tiếng ở Bắc Kinh, dự đoán. "Tất cả các cựu quan chức cấp bộ trưởng trở lên đều đến đó".
Danh sách dài các tù nhân nổi tiếng bao gồm Giang Thanh, vợ của chủ tịch Mao Trạch Đông. Bà này ở đây một thập kỷ trước khi được cho ra ngoài chữa bệnh vào năm 1991 và được cho là tự tử trước khi phải quay lại nhà tù. Chính ông Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, cũng bị giam ở Tần Thành sau khi bị tuyên phạt tội "phản cách mạng".
"Điều kiện ở đây tốt hơn hẳn các nhà tù bình thường", luật sư Mo nói thêm và giải thích rằng các tù nhân được sử dụng nhà tắm và bồn tắm, có thư viện và có TV.
Các chuyên gia có lý do để dự đoán Bạc Hy Lai sẽ được giam ở nhà tù hạng sang này. Nicholas Bequelin, nhà nghiên cứu cấp cao ở Tổ chức Quan sát Nhân quyền giải thích: "Việc Bạc Hy Lai được đối xử như thế nào sau phiên xử và sau khi bị kết án sẽ tạo thành tiền lệ và các quan chức cấp cao khác biết sẽ bị xử lý như thế nào trong tương lai. Đây là điều mà các quan chức, nhất là nhóm 'thái tử', đặc biệt lưu tâm, bất kể là quan điểm của họ với Bạc Hy Lai là như thế nào".
"Các cựu quan chức cấp cao trong đảng thường được đối xử tốt hơn những tù nhân bình thường, đặc biệt là trong việc chăm sóc sức khỏe, gia đình thăm nuôi, miễn trừ một số yêu cầu nhất định của nhà tù.
"Xem xét tất cả các khía cạnh khác trong vụ việc của Bạc, có thể dự đoán rằng các luật lệ và quy tắc thông thường sẽ không được áp dụng. Mặc dù bị thất sủng nhưng Bạc Hy Lai vẫn là 'một phần của đảng' vì là con trai của Bạc Nhất Ba".
Những tù nhân ở Tần Thành thật ra cũng không thoải mái. Wang Dan, người tổ chức cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, từng bị giam 19 tháng ở đây, kể một số chi tiết về đời sống trong tù trong quyển hồi ký.
"Thức ăn thật tệ. Ba lần một ngày, chúng tôi được cho ăn bánh ngô với dưa chuột, khoai tây và cà tím. Không được ăn thịt, không ăn dầu, bánh bao không nhân hoặc rất ít. Tôi phải nài nỉ xin thêm".
Và mặc dù các nhân viên anh ninh nỗ lực ngăn chặn việc Wang liên lạc với các lãnh đạo sinh viên khác trong vụ Thiên An Môn nhưng ông này vẫn kết nối được với họ. "Tôi biết rằng các bạn bè luôn sát cánh bên tôi. Tôi không cảm thấy cô đơn. Cuối cùng, tôi cảm thấy Tần Thành như một trường đại học, nơi tôi học được bài học của cuộc đời mình. Với những người bạn sống ở những 'ký túc xá' bên cạnh, nỗi sợ hãi và buồn bực trong tù trở nên dễ chịu hơn", Wang viết.
Ông Bạc dường như phải đối mặt với nhiều kẻ thù hơn là bạn bè ở trong tù. Theo truyền thông Hong Kong, cánh tay phải một thời của ông Bạc, Vương Lập Quân, cũng đang thụ án tại Tần Thành.
Vương được coi là mấu chốt cho sự sụp đổ của Bạc Hy Lai vì đến lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô tiết lộ ông Bạc và vợ, Cốc Khai Lai, liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood. Hai chiến hữu một thời đã có cuộc đối chất tại phiên xử Bạc hồi tháng trước.
Tuy nhiên, chắc chắn là ông Bạc sẽ không phải đối mặt với tình huống khó xử khi chạm mặt vợ tại Tần Thành. Bà Cốc Khai Lai nhận án tử hình có ân hạn vì tội giết hại Neil Heywood từ hồi năm ngoái.
Bà Cốc được cho là đang bị giam tại nhà tù Yến Thành ở tỉnh Hà Bắc. Nhà tù này được bộ Tư Pháp Trung Quốc mô tả là một "nhà tù xanh", với khuôn viên vườn cây rộng rãi và một số tù nhân còn làm thơ ở đó.
Mặc dù Tần Thành có là "nhà tù hạng sang" đến cỡ nào nữa thì ông Bạc dường như cũng phải đối mặt với những năm tháng gian khó trước mắt.
Lưu Chí Quân, cựu bộ trưởng Đường sắt, cũng sẽ phải ở đây ít nhất khoảng chục năm vì tội nhận hối lộ 9,4 triệu USD. Theo kênh truyền hình Phoenix, ông Lưu dường như đã học được bài học của cuộc đời mình: gần đây, ông cảnh báo con gái nên tránh xa chính trị.
Thậm chí chính kiến trúc sư trưởng của nhà tù này cũng có bài học dành cho mình. Feng Jiping, giám đốc Cục An ninh Công cộng Bắc Kinh vào những năm 1950, người giám sát xây dựng nhà tù, về sau ngồi tù ở đây vì tội "phản bội".
"Nếu tôi biết tôi sẽ phải ở đây, tôi đã cố gắng xây nhà tù đẹp hơn", Feng từng nói.
Vũ Hà (theo BBC)