Bệnh tiểu đường xảy ra do sự rối loạn insulin, một loại hormone cơ thể sử dụng để điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, không phản ứng với insulin như bình thường, lượng đường trong máu (đường huyết) có thể tăng, gây hại cho sức khỏe. Khi tăng đường huyết, lượng glucose cung cấp năng lượng cho các tế bào sản xuất quá mức gây dư thừa. Glucose trải qua quá trình oxy hóa, trong đó có các hóa chất độc hại, gọi là các gốc tự do, được giải phóng vào máu.
Trong trường hợp bình thường, các gốc tự do được kiểm soát bởi chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, với bệnh tiểu đường, mức độ gốc tự do có thể nhanh chóng vượt quá mức độ chống oxy hóa và gây tổn thương tế bào và mô khắp cơ thể, trong đó có các tế bào mô gan. Bệnh tiểu đường gây ra tổn thương gan theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn một: Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tổn thương không có triệu chứng gây tích tụ chất béo trong gan.
Giai đoạn 2: Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu là một dạng viêm gan nghiêm trọng, trong đó, các chất béo tích tụ gây ra sẹo gan tiến triển, được gọi là xơ hóa.
Giai đoạn 3: Xơ gan còn bù xảy ra khi xơ hóa bắt đầu can thiệp vào chức năng của gan.
Giai đoạn 4: Xơ gan mất bù là tình trạng xơ hóa gây tổn hại nghiêm trọng đến gan, khiến gan bị suy.
Giai đoạn 5: Đây là giai đoạn ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), dạng ung thư gan phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những người bị xơ gan.
Ung thư biểu mô tế bào gan có xu hướng nặng và phức tạp hơn ở người bệnh mắc tiểu đường. Tế bào ung thư tiêu thụ một lượng glucose rất lớn so với các tế bào bình thường. Khi mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao có thể đẩy nhanh sự phát triển và lây lan của khối u. Người bệnh tiểu đường mắc ung thư gan có thời gian sống sót thấp, nguy cơ tái phát ung thư cao, thường là 3 năm sau khi điều trị khỏi.
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phát triển ung thư gan cao gấp 2-3 lần so với những người không mắc bệnh. Nguy cơ này tăng thêm nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát kém hoặc không được điều trị. 4 yếu tố bao gồm tuổi cao, thời gian mắc tiểu đường kéo dài, xơ gan nặng, kiểm soát đường huyết kém làm nguy cơ mắc ung thư gan ở người bệnh tiểu đường cao hơn.
Ung thư gan ở người bệnh tiểu đường và không mắc bệnh tiểu đường có phương pháp điều trị tương tự nhau. Bác sĩ đưa ra chỉ định tùy vào mức độ tiến triển của bệnh ung thư và giai đoạn phát hiện bệnh.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Musashino (Nhật Bản) trên gần 350 bệnh nhân năm 2013, 92% người duy trì kiểm soát lượng đường trong máu tối ưu sau khi điều trị ung thư gan sống ít nhất 3 năm, so với chỉ 70% những người kiểm soát kém.
Người mắc bệnh tiểu đường có thể giảm nguy cơ ung thư gan bằng các cách sau: giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, giảm tiêu thụ đường, thịt đỏ, thực phẩm béo, tránh uống rượu, kiểm soát đường huyết.
Anh Chi (Theo Very Well Health)